Thổ và Kazakhstan thảo luận việc hỗ trợ Kyrgyzstan

Hai nước bàn về "kế hoạch hành động" khu vực nhằm hỗ trợ Kyrgyzstan sau khi nước này tiến hành trưng cầu ý dân về cải tổ Hiến pháp.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 21/6 cho biết ông vừa có cuộc hội đàm với Tổng thống và Ngoại trưởng Kazakhstan về "kế hoạch hành động" khu vực nhằm hỗ trợ Kyrgyzstan sau khi nước này tiến hành trưng cầu ý dân về cải tổ Hiến pháp, dự kiến vào ngày 27/6 tới.

Theo ông Davutoglu, cuộc hội đàm tập trung vào các khía cạnh ngoại giao, kinh tế và an ninh mà các nước khu vực Trung Á có thể giúp đỡ Kyrgyzstan. Ông cho biết thêm vấn đề này sẽ được thảo luận với các nước bạn và anh em khác của Kyrgyzstan trong khu vực.

Ngoại trưởng Davutoglu tiết lộ nếu điều kiện sau cuộc trưng cầu ý dân ở Kyrgyzstan cho phép, ông và người đồng cấp Kazakhstan sẽ đến Kyrgyzstan để trao đổi trực tiếp với người dân nước này về những gì các nước trong khu vực có thể giúp đỡ nước sở tại. Ông nhấn mạnh việc Kyrgyzstan tiến hành trưng cầu ý dân để chính phủ lâm thời có quyền điều hành đất nước hợp pháp có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc khởi động "kế hoạch hành động khu vực."

Cùng ngày, người đứng đầu chính phủ lâm thời Kyrgyzstan Roza Otunbayeva cam kết sẽ không để tái diễn xung đột trong nước. Bà Otunbayeva cho biết chính quyền đang tiến hành công tác ổn định tình hình tại các khu vực xảy ra xung đột, tiến hành điều tra kỹ lưỡng nguyên nhân dẫn đến xung đột, và xác định các đối tượng tổ chức những hoạt động gây rối qui mô lớn.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng đã bắt đầu công việc giải giáp vũ khí và truy tìm những đối tượng đứng đằng sau các cuộc xung đột sắc tộc đẫm máu ở miền Nam Kyrgyzstan. Các nhân chứng cho biết binh lính đã tập kết tại làng Nariman gần biên giới với Uzbekistan cùng với xe bọc thép và máy bay lên thẳng, báo hiệu một cuộc trấn áp quyết liệt.

Trước đó, ngày 20/6, Kyrgyzstan đã bắt giữ 20 người bị tình nghi dính líu đến các vụ xung đột đẫm máu này. Cơ quan an ninh quốc gia Kyrgyzstan cho biết đã tìm thấy một kho vũ khí chứa 42 thiết bị nổ tại tỉnh Osh ở miền Nam.

Ủy ban điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết 35.000 trong số 75.000 người Kyrgyzstan tỵ nạn ở Uzbekistan đã chính thức làm thủ tục để sớm được hồi hương. Tuy nhiên, trên biên giới giữa hai nước vẫn còn khá nhiều người muốn sang Uzbekistan.

Ủy ban này đánh giá phản ứng của Chính quyền Uzbekistan đối với cuộc khủng hoảng là rất có tổ chức, người tỵ nạn được cung cấp mọi thứ cần thiết, mặc dù vẫn cần thêm lương thực, nước sinh hoạt, chỗ ở và trợ giúp y tế cho người tỵ nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục