Vùng đất "nóng" trở thành điểm du lịch hấp dẫn

Năm nay cuộc nội chiến kéo dài ở Sri Lanka đã kết thúc và ngay lập tức ngành du lịch nước này bắt đầu khởi sắc.
Năm nay cuộc nội chiến kéo dài ở Sri Lanka đã kết thúc và ngay lập tức ngành du lịch nước này bắt đầu khởi sắc. Tháng 5/2009, lực lượng “Những con hổ Giải phóng Tamil” bị đập tan, thủ lĩnh bị tiêu diệt. Chính quyền quốc đảo này nhanh chóng mở chiến dịch quảng bá mới với tên gọi “Sri Lanka - tiểu kỳ quan” để hút khách du lịch nước ngoài.  

Dilip Mudadeniia, Vụ trưởng Vụ Quảng bá thuộc Bộ Du lịch Sri Lanka, cho biết: “Mục tiêu của chiến dịch là tạo ra ý tưởng chính để giúp thay đổi hình ảnh của đất nước Sri Lanka trên thế giới”.

Ông hy vọng ngay trong năm tới số khách du lịch sẽ tăng 20% và đạt mức nửa triệu người.  

Điểm nổi bật của ngành du lịch Sri Lanka là đài quan sát đàn cá voi xanh hằng năm vẫn bơi gần bờ biển phía Nam từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.  

Nepal cũng có hoàn cảnh tương tự - cuộc nội chiến 10 năm đã kết thúc vào cuối năm 2006. Năm ngoái, khi nhiều nước bãi bỏ lệnh hạn chế công dân nước mình đến Nepal thì lượng khách du lịch tại đây tăng lên 550.000 người. Nước này hy vọng đến năm 2011 sẽ đón 1 triệu khách nước ngoài. “Cái đinh” của Nepal là “những vùng đất tuyệt đối chưa in dấu chân người”.

Khách nước ngoài cũng đang dần dần trở lại vùng Kashmir vốn nóng bỏng của Ấn Độ dưới câu khẩu hiệu chính “Lại là thiên đường!”. Có thời khu vực này là một trong những thắng cảnh chủ chốt của Ấn Độ, mỗi năm thu hút 700.000 khách. Tuy nhiên, sau khi làn sóng bạo lực mới bùng nổ vào năm 1989 thì rất hiếm người dám đến nơi này chiêm ngưỡng cảnh đẹp như tranh vẽ.  

Năm nay đã có hơn 380.000 người đến Kashmir. “Kỳ quan” ở đây là các sân golf ở độ cao cao nhất thế giới (2.650m so với mực nước biển).

Đảo Bali (Indonesia) thời gian qua không chỉ được biết đến nhờ cảnh đẹp thiên nhiên mà còn do các vụ khủng bố trong hai năm 2002 và 2005 làm 220 người thiệt mạng.  

Những khách du lịch nào vừa thích sưu tầm vũ khí nóng vừa thích mạo hiểm thì nên đến Somalia. Trên các đường phố của thủ đô Mogadishu, khách du lịch có thể mua một quả lựu đạn với giá 10 USD rồi sau đó cho nổ ở một nơi không xa. Nước này mặc dù có Bộ Du lịch nhưng trong 15 năm qua, chưa có vị khách du lịch nào đến đây một cách chính thức.  

Các nước châu Phi cũng đang tìm “cái đinh” cho ngành du lịch nước mình giống như các quốc gia châu Á. Bản thân lục địa đen đã mang lại sự lạ với thế giới, song cần có một cái gì đặc biệt thì mới hấp dẫn khách phương xa.  

Chẳng hạn, Kenia đang thịnh hành hình thức “du lịch ổ chuột”. Chỉ với 35 USD, bất cứ ai cũng có thể ghé thăm Kibera, một trong những khu phố ổ chuột lớn nhất hành tinh với hàng trăm nghìn dân nghèo trú ngụ trong những túp lều lợp giấy dầu và vách làm bằng bìa cáctông.  

Người Nhật không có khu ổ chuột thì họ nghĩ ra Bảo tàng Ký sinh trùng. Tại đây trưng bày 300 loại ký sinh trong cơ thể người. “Nữ hoàng” của bảo tàng là con giun xoắn dài tới... 9m được lấy ra từ dạ dày của một người ăn phải món gỏi sashimi làm dối.  

Khi những cuộc đua gián, đua ếch... đã không còn là chuyện lạ nữa thì một quán bar ở Santa Monica (Los Angeles, Mỹ) đã tổ chức đua rùa. Một nghĩa trang ở ngoại ô Paris (Pháp) cũng hút khách bằng cách lấy xương xếp thành nhà cửa, tàu thuyền.

Còn ngôi làng nhỏ Ferentillo, cách thủ đô Roma của Italy chỉ vài giờ đi ôtô thì có Bảo tàng xác ướp, nơi trưng bày các thi thể được thiên nhiên bảo quản hàng trăm năm. Tất cả những điều này đều tạo ra sự hấp dẫn lạ kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục