"Keangnam đã thiếu trách nhiệm với cộng đồng"

Cho tới thời điểm 2 ngày sau vụ cháy tại tòa nhà cao nhất Việt Nam, nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi.
“Đối với một công trình như Keangnam, việc để xảy ra nhiều sự cố như trong thời gian qua là không thể chấp nhận được. Càng là công trình trọng điểm thì vấn đề an toàn lao động càng phải được đặt lên hàng đầu.”

Tiến sỹ Triệu Quốc Lộc, Giám đốc trung tâm an toàn lao động (Viện Khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động) đã khẳng định như vậy với phóng viên Vietnam+ chiều 26/3.

Đang thanh tra, vẫn cháy

Vào thời gian xảy ra sự cố gần nhất do hỏa hoạn, khi phóng viên có mặt thì đã có 3 xe cứu hỏa đứng đợi nhưng không được phép can thiệp.

Lúc này, tại tầng 25 của tòa nhà đang thi công dở, một cột khói đen khổng lồ nghi ngút bốc lên. Nhiều người chứng kiến tỏ ra hoảng loạn. Cả đoạn đường Phạm Hùng trước mặt công trường trong phút chốc kẹt cứng.

Mặc dù vậy, lực lượng bảo vệ công trường vẫn kiên quyết đóng kín cửa. Lý do họ đưa ra là đám cháy vẫn nằm trong tầm khống chế của Keangnam.

Nhận xét về hành động trên, ông Lộc khẳng định: “Bản thân Keangnam chưa ý thức hết mức độ nguy hiểm của sự việc.”

Theo ông Lộc, công trình trên nằm trong khu vực chung với rất nhiều tổ hợp công trình khác. Nếu không khống chế được vụ việc đúng như họ nói thì hậu quả là khôn lường. Ông Lộc khẳng định thêm: “Điều này thể hiện doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.”

Điều đáng nói là hỏa hoạn xảy ra đúng trong thời gian 1 tháng thanh kiểm tra của đoàn thanh tra liên ngành thành phố Hà Nội tại công trình trên.

Đây là đợt thanh tra đầu tiên về công tác an toàn lao động với công trình cao kỷ lục của Việt Nam. Đoàn thanh tra gồm đại diện của Liên đoàn lao động Hà Nội, Sở Xây dựng, Sở Lao động thương binh và xã hội và công an huyện Từ Liêm.

Nhập nhằng nguyên ngân gây cháy

Cho tới thời điểm này, nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn tại công trường Keangnam khiến mọi người hoảng sợ vẫn  còn là nghi vấn.

Ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra không lâu, ông Ngô Quý Công, Chánh Văn phòng Keangnam Vina cho biết, nguyên nhân vụ việc là do công nhân đã vứt điếu thuốc đang cháy dở vào vật liệu bảo ôn (làm bằng cao su xốp) dùng để lắp đặt hệ thống điều hòa.

Lực lượng Phòng cháy chữa cháy Thành phố Hà Nội cũng có kết luận tương tự về sự việc trên.

Trong khi đó, không đồng tình với quan điểm một tàn thuốc có thể tạo ra cột khói bốc cao đến thế, ông Lộc cho hay, với độ cao 25 tầng, gió lớn, có vứt tàn thuốc lá ra thì cũng sẽ bị thổi bay mất.

Với kinh nghiệm nhiều năm xử lý các tai nạn lao động và mô tả hiện trường, Tiến sỹ Lộc nhấn mạnh: “Từ góc độ khoa học, việc xác định nguyên nhân cháy như trên là điều khó tin.”

“Nếu có vứt cả điếu thuốc đang cháy dở vào khu vực để vật liệu dễ cháy thì cũng có khả năng gây cháy nhưng khói không thể bốc cao ngùn ngụt như thế được,” ông Lộc khẳng định.

Là người có mặt trong đoàn Thanh tra liên ngành tại công trường Keangnam chiều ngày 25/3, bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, cho biết theo kết luận sơ bộ của công an huyện Từ Liêm thì nguyên nhân cháy do một vẩy hàn từ trên tầng cao rơi xuống...

Dự kiến, thời điểm đầu tháng 4, kết luận thanh tra về công tác an toàn lao động tại công trường này sẽ được đoàn thanh tra công bố chính thức, trong đó bao gồm cả nguyên nhân sự cố bốc khói vừa qua./.

Theo Tiến sỹ Triệu Quốc Lộc, hiện nay một trong những nguyên nhân khiến các tai nạn lao động liên tục xảy ra là do công tác giáo dục ý thức và kiến thức về an toàn lao động cho người lao động của các doanh nghiệp đang bị buông lỏng.

Nhiều chủ doanh nghiệp chấp nhận trả lương cao cho công nhân thay vì đầu tư cho việc giáo dục và đào tạo. Thậm chí vì lợi nhuận, nhiều nơi còn sử dụng cả những lao động thời vụ hoàn toàn chưa qua tập huấn.

Mặt khác, mức phạt hiện cao nhất hiện nay đối với lỗi vi phạm an toàn lao động hiện tại mới chỉ là 30 triệu đồng. Mức phạt này, theo ông Lộc, là quá thấp khiến cho rất nhiều doanh nghiệp "nhờn thuốc."
Tú Lệ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục