LHQ kêu gọi bảo vệ thủy thủ trước nạn cướp biển

LHQ kêu gọi các nước thành viên Công ước LHQ về luật biển thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ các thủy thủ trước nạn cướp biển.
Liên hợp quốc vừa kêu gọi các nước thành viên Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các thủy thủ trước nạn cướp biển đã trở nên nghiêm trọng hơn kể từ năm 2010, đồng thời sử dụng quyền lực theo Công ước để làm cho nghề hàng hải trở nên hấp dẫn hơn.

Tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này cũng lưu ý rằng trong khi nền kinh tế và sự thịnh vượng của thế giới phụ thuộc vào ngành hàng hải, mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh hàng hải và chính ngành hàng hải là cuộc khủng hoảng cướp biển toàn cầu, tình trạng bỏ rơi các thủy thủ trong hoạn nạn hoặc khi hãng tàu biển bị phá sản đã tác động lớn đến việc tuyển đủ các thủy thủ có kỹ năng cao để điều hành các tàu biển.

Hội Phân tích tâm lý New York và Trường đại học Y khoa Mount Sinai ở New York đã nghiên cứu đánh giá tác động của cướp biển đến các thủy thủ và cung cấp cho họ liệu pháp sức khỏe tâm thần ngắn và dài hạn cũng như trợ giúp gia đình họ trong thời kỳ dài họ bị cướp biển bắt cóc.

Vụ Đại dương và luật biển Văn phòng Pháp lý thuộc UNCLOS coi việc các hãng tàu biển bị phá sản bỏ mặc các thủy thủ ở các cảng biển trên thế giới là “một hành động vô trách nhiệm đáng lên án mạnh mẽ.”

Liên hợp quốc kêu gọi thành lập quỹ quốc tế hỗ trợ các thủy thủ này và yêu cầu tất cả các nước cần tôn trọng các cam kết của họ đối với UNCLOS, trong đó có nghĩa vụ quan tâm đảm bảo các thủy thủ của họ không bị lạm dụng hoặc bị bỏ rơi.

Theo số liệu của Trung tâm về quyền của các thủy thủ toàn cầu, năm 2010, khoảng 47 tàu buôn đã bị cướp và hơn 1.000 thủy thủ đã bị cướp biển bắt làm con tin ở vịnh Aden và Ấn Độ Dương. Hơn 4.000 thủy thủ trên các tàu buôn đã bị cướp biển tấn công bằng vũ khí và 1.432 thủy thủ bị cướp biển xông lên tàu tấn công và khám xét.

Từ đầu năm đến nay, 21 tàu buôn đã bị cướp biển tấn công và bị bắt giữ. Ít nhất 108 thủy thủ đã bị cướp biển tấn công. Cướp biển ngoài khơi Somalia đã trở nên hung hãn hơn. Các thủy thủ bị chúng bắt đã bị tra tấn về thân thể và tâm lý, thậm chí bị giết hại.

Cướp biển đã sử dụng các tàu buôn bị bắt cóc như là “tàu mẹ” để nối dài tầm hoạt động của chúng ở Ấn Độ Dương và các thủy thủ bị bắt đã bị sử dụng làm “lá chắn sống”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục