Hội họa Lê Quân - Khi người lính Quảng Trị cầm cọ

Ấn tượng từ những bức tranh của Lê Quân, một người lính Quảng Trị, là một bản giao hưởng của màu sắc, là những vũ điệu cuồng nhiệt.
Trước khi đến thăm nơi làm việc của Lê Quân ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi chỉ biết Lê Quân vốn cũng lính Quảng Trị, bây giờ làm doanh nhân, rất thích viết nhạc và có những ca khúc đầy ấn tượng như “Phố huyện của tôi,” “Cánh cò quê,” “Lả lơi chèo”  nhờ thế mà anh trở thành Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam và là nhà tài trợ của hai Tạp chí âm nhạc Sóng nhạc và Âm nhạc Việt Nam.

Nhưng tới thăm nơi Lê Quân làm việc, thấy chất đầy quanh phòng anh là những bức tranh, sơn dầu có, màu nước có, lụa có, thì thực sự tôi hoàn toàn kinh ngạc và bất ngờ về một năng lực hội họa tiềm ẩn trong anh, đang hiện ra trước mặt công chúng.

Mặc dù có biết loáng thoáng trong cuộc đời từ thủa thiếu thời, Lê Quân đã mê vẽ. Những năm sau chiến tranh đi du học nước ngoài, Lê Quân cũng có học vẽ đây đó và cũng đã từng đi vẽ để kiếm ăn nơi đất khách quê người nhằm cải thiện cuộc sống tằn tiện thủa sinh viên. Nhưng sự hiện diện choáng ngợp của những bức tranh Lê Quân khiến tôi phải thán phục một sức mạnh sáng tạo dồi dào nơi anh không chỉ trong văn, trong thơ, trong nhạc, mà còn trong hội họa. Dù Lê Quân có tâm sự: “Cứ vẽ như là thấy," thì cái thấy ở Lê Quân là cái thấy đã đốn ngộ của một cuộc sống đầy trải nghiệm, đầy trắc ẩn, đầy éo le.

Ấn tượng thiên nhiên trong Lê Quân là một ấn tượng đầy ánh sáng và màu sắc. Không quá lời khi nhà sưu tập Xuân Phượng đáng kính đã thốt lên: “Đó là một bản giao hưởng của màu sắc, là những vũ điệu cuồng nhiệt." Thiên nhiên chảy vào trong Lê Quân từ con sông Luộc đoạn cong qua quê hương Ninh Giang với cái tên Chanh Chử, từ cánh đồng xứ Đông vàng ruộm mùa gặt, từ những đóa hoa vườn làng thanh khiết. Cả những con chuồn chuồn ấu thơ, những con bò, con trâu ngày bé dại. Và cả sự lam lũ đến trong veo của người dân quê.

Lê Quân đã không dứt bỏ nổi quê hương nhọc nhằn ra khỏi phận mình, mà còn mang vác nó trĩu nặng đến cùng cực, để rồi chất hết vào khung vải qua cây cọ trên tay cầm. Thiên nhiên trong Lê Quân tự nhiên như chính nó, ngây ngô như một khúc đồng dao. Lê Quân vẽ như thở vậy.

Ấn tượng đời sống hiện tại trong Lê Quân là một ấn tượng chật bóng tối và đường nét. Dù rằng Lê Quân đã tự bạch: “Đằng sau những bức tranh bao giờ cũng là một con người, những cảm xúc, một số phận," vẫn thấy ở đó một con người nhiều dằn vặt, lắm giằng xé, bộn phân vân. Tranh thiên nhiên Lê Quân hồn hậu bao nhiêu thì tranh trìu tượng Lê Quân vật vã bấy nhiêu. Đã đành vật vã như sóng biển, như đại dương đời, sao những sợi mưa mảnh mai kia vẫn cứ dệt vào ta những tấm lưới cách ngăn không cùng giữa hiện thực và khát vọng, giữa cho và nhận, giữa còn và mất, giữa mạnh mẽ và yếu ớt.

Lê Quân thổ lộ khi vẽ chân dung: “Vẽ chân dung giống như chia sẻ." Thật lạ khi xem tranh chân dung của anh. Có lẽ Lê Quân chưa phải là người gần gũi nhà thơ Hữu Loan nhiều lắm, vậy mà sao nhìn bức chân dung Hữu Loan, có cảm giác như anh đã hiểu thấu tận tâm can “Người đi bộ ngược chiều” đầy cá tính này.

Với Phan Vũ lang bạt trong “Em ơi! Hà Nội phố” thì điều khiến ta sửng sốt không phải vì Lê Quân bắt ra thần thái Phan Vũ mà chẳng hiểu vì sao anh lại gắn được vào Phan Vũ chiếc tẩu thuốc mê đắm cùng chiếc giày cao cổ giang hồ. Cũng thầm hát theo giai điệu của những “tòa thiên nhiên” khỏa vào ta một màu vàng buồn bã. Nhìn chú chó ngóng trăng đêm chợt thấy trũng lòng vì một ham muốn gì đấy phải kìm nén đến u uẩn.

Sẽ không nhận ra sự học hành, lớp lang, kiểu cách gì ở tranh Lê Quân bởi Lê Quân đã xác tín “vẽ như là sự tồn tại” và đã khẽ thở than “Ba ngàn năm trước vẫn bay mưa/ Ba ngàn năm sau mưa vẫn bay." Đến thế thì còn bàn gì khôn dại, còn “cao đàm khoát luận” đâu đâu nữa. Có lẽ vậy nên tranh Lê Quân đã “vượt biên” sang nhiều triển lãm nước ngoài.

Chính Lê Quân cũng chẳng hiểu vì sao tại một triển lãm tranh quốc tế ở Pháp, người ta lại chọn Lê Quân - một họa sĩ Việt Nam duy nhất được mời bày tranh giữa 117 họa sĩ các nước khác. Nhưng chỉ biết rằng Lê Quân đã rơm rớm như khi xưa rơm rớm mai táng đồng đội nơi trận mạc, khi anh nhìn thấy một bà cụ già Việt Nam đến trước cái bảng vàng danh sách ở cửa triển lãm, nhìn trân trọng vào tên anh đến nỗi như thể không tin ở mắt mình rằng đã có một họa sĩ Việt Nam vinh dự góp mặt vào triển lãm tầm cỡ này.

Năm nay, Lê Quân lại được mời triển lãm tranh ở Hongkong vào tháng Tám. Nhưng trước khi sang Hongkong, nhà sưu tập Xuân Phượng lại rất muốn Lê Quân triển lãm tranh tại Hà Nội. Có lẽ bà muốn sẻ chia một hiện tượng Lê Quân với Thủ Đô nghìn năm văn hiến vào ngày 20/7.

Có khi việc chọn ngày triển lãm cũng chỉ là tình cờ mà thôi, nhưng đối với tôi và Lê Quân cũng như với những người đã qua tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” thì ngày này đã in sâu vào ký ức cuộc đời. Đấy là ngày mà 56 năm trước, Hiệp định Geneva về Việt Nam đã được ký kết, ngày mà sông Bến Hải của Quảng Trị đã được chọn làm giới tuyến phân chia Việt Nam thành hai miền, ngày mà chúng ta đã chọn làm ngày đấu tranh thống nhất.

Với những người lính như tôi và Lê Quân - bạn tôi, có lẽ triển lãm cũng là một lẵng hoa khiêm nhường dâng lên ngày đầy ý nghĩa này. Hãy xem, khi bạn tôi cầm cọ. Hãy xem, khi một người lính Quảng Trị cầm cọ./.

Nguyễn Thụy Kha (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục