Nợ công chi phối giá dầu

Nợ công ở hai bờ Đại Tây Dương chi phối giá dầu

Trong bối cảnh vấn đề nợ công ở 2 bờ Đại Tây Dương chưa cải thiện, giới giao dịch dầu mỏ không chắc chắn về triển vọng thị trường.
Ngày 18/7, giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục giảm sâu, do áp lực từ những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu cũng như thế bế tắc trong các cuộc đàm phán về nâng mức trần nợ công ở Mỹ.

Tại New York, kết thúc phiên giao dịch, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 8/2011 giảm 1,31 USD xuống 95,93 USD/thùng, sau khi có lúc rơi xuống mức thấp 94,69 USD/thùng; còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc kỳ hạn tháng 9/2011 có thời điểm đã giảm sâu xuống 114,66 USD/thùng, trước khi phục hồi lên 116,05 USD/thùng vào cuối phiên, song vẫn giảm 1,21 USD so với mức đóng cửa phiên cuối tuần trước.

Như vậy, giá dầu Brent đã giảm xuống ngưỡng trung bình 116,29 USD/thùng của 100 phiên, trong khi theo các nhà phân tích kỹ thuật, giá dầu ngọt nhẹ thậm thí còn giảm mạnh hơn, khi đang tiến sát mức giá trung bình 94,15 USD/thùng của 200 phiên.

Đến chiều 19/7 tại châu Á, giá dầu có nhích lên đôi chút khi giới giao dịch tranh thủ mua vào lúc giá rẻ, nhưng nhìn chung tâm lý thị trường vẫn chưa thoát khỏi nỗi lo về những vấn đề nợ công ở hai bờ Đại Tây Dương.

Tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 8/2011 đã tăng thêm 25 xu lên 96,18 USD/thùng, còn giá dầu Brent giao tháng 9/2011 nhích 19 xu lên 116,24 USD/thùng.

Serene Lim, nhà phân tích dầu khí ở Singapore của ngân hàng ANZ, cho biết trong bối cảnh đang thiếu những cải thiện đáng kể trong vấn đề nợ công ở hai bờ Đại Tây Dương, giới giao dịch dầu mỏ hiện vẫn rất thiếu chắc chắn về triển vọng thị trường.

Hiện nay, hoạt động bán ra các tài sản có độ rủi ro cao của giới đầu tư đang châm ngòi cho làn sóng bán tháo trên các thị trường chứng khoán toàn cầu và đẩy giá vàng lên đỉnh cao mới, trên 1.600 USD/ounce.

Phil Flynn, nhà phân tích thuộc công ty PFG Best Research, nhận định giới đầu tư đang đổ xô mua vàng bạc, trong khi bán ra dầu mỏ và các hàng hóa khác.

Những vấn đề về nợ công của các nền kinh tế hai bờ Đại Tây Dương đang thổi bùng những lo ngại về nguy cơ kinh tế giảm tốc hoặc thậm chí là một cuộc suy thoái kép, điều theo đó sẽ khiến nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm sút.

Joachim Azria, nhà phân tích thuộc ngân hàng Credit Suisse ở New York, cho biết mọi người đang thận trọng trước những gì đang diễn ra, nhất là tại châu Âu, nơi mà một số người nhìn nhận cuộc khủng hoảng nợ đang diễn biến xấu đi.

Theo ông, thị trường dầu mỏ có rất nhiều bất ổn trong tháng qua và với việc cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu tiếp tục nằm trong tâm điểm chú ý, giới đầu tư sẽ giữ tâm lý "chờ đợi và xem xét" trong mùa Hè này.

Tại châu Âu, các nhà lãnh đạo khối đồng tiền chung (Eurozone) đang chuẩn bị họp bất thường vào ngày 21/7 để thảo luận các biện pháp đẩy lùi nguy cơ phá sản cho Hy Lạp, điều nếu xảy ra có thể gây bất ổn cho những nền kinh tế lớn hơn ở châu Âu.

Bà Valerie Pecresse, người phát ngôn của Chính phủ Pháp, tin rằng các nhà lãnh đạo 17 nước Eurozone sẽ đạt được nhất trí về gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp, thêm vào gói giải cứu 110 tỷ euro (154 tỷ USD) đã được thông qua hồi tháng 5/2010.

Tuy nhiên, sau ba tuần diễn ra các cuộc họp trù bị, hiện nay vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận này có đạt được theo cách mà trong đó các nhà sở hữu trái phiếu Hy Lạp tư nhân, như các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và những nhà đầu tư khác, sẽ tham gia vào hoạt động cứu trợ bằng cách giảm mệnh giá những trái phiếu mà họ nắm giữ.

Trong khi đó, bên kia bờ Đại Tây Dương, các nghị sỹ Mỹ cũng đang cố gắng tránh nguy cơ phá sản quốc gia, trong bối cảnh Bộ Tài chính nước này đã chạm trần đi vay được giới hạn ở mức 14.300 tỷ USD.

Các cuộc đàm phán nhằm nâng mức trần nợ công hiện nay vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển mặc dù hạn chót để làm điều đó là ngày 2/8 đang đến rất gần.

Tuy vậy, hầu hết các nhà phân tích cho rằng một thỏa thuận như vậy sẽ được đưa ra kịp thời.

Trước những diễn biến như vậy, đồng euro đã giảm xuống dưới ngưỡng 1,40 USD/euro, điều thường gây sức ép làm giảm giá các mặt hàng tính bằng đồng USD.

Trong một thông tin khác, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến sẽ họp bàn với các nước thành viên vào ngày 23/7 tới để quyết định xem liệu có tiếp tục rút kho dự trữ dầu mỏ chiến lược để đảm bảo nguồn cung trên thị trường.

Hồi tháng nước, lần thứ ba trong lịch sử IEA, 28 nước thành viên khối này đã nhất trí rút kho dự trữ 60 triệu thùng dầu trong nỗ lực nhằm hạ nhiệt thị trường vốn đã đẩy giá dầu Brent tăng gần 20% kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến ở Libya.

Điều này đã giúp giá dầu Brent hạ xuống 102,28 USD/thùng vào ngày 27/6, nhưng hiện nay nhiên liệu này đang trở lại các mức giá trước đây.

Tuy nhiên, theo ông Azria, việc IEA tiếp tục tháo kho dự trữ có thể không xảy ra vào thời điểm hiện nay, nhưng thời điểm đầu tháng Chín tới là một khả năng có thể tính đến./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục