Bế tắc trong lập nội các, Thủ tướng Nepal từ chức

Rơi vào bế tắc trong việc lập nội các mới, Thủ tướng Nepal, Jhalanath Khanal đã từ chức, đẩy nước này vào khủng hoảng chính trị mới.
Thủ tướng Nepal, Jhalanath Khanal đã từ chức ngày 14/8, đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới.

Thủ tướng Khanal, Chủ tịch đảng Cộng sản Marxist Leninist thống nhất (CPN-UML), đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Ram Baran Yadav sau khi vào phút chót, chính phủ vẫn không thể tìm kiếm được sự đồng thuận với các đảng khác về tiến trình hòa bình và vấn đề soạn thảo Hiến pháp mới.

Sau khi ông Khanal từ chức, Tổng thống Yadav sẽ phải yêu cầu các chính đảng thành lập một chính phủ đồng thuận theo hiến pháp tạm thời hiện nay. Tuy nhiên, nếu không thành lập được chính phủ, Tổng thống sẽ yêu cầu tổ chức bầu thủ tướng.

Trong thời gian chờ có thủ tướng mới, ông Khanal sẽ tạm thời kiêm nhiệm chức thủ tướng. Ông Jhalak Subedi, Tổng biên tập tạp chí chính trị Mulyankan ở Nepal cho rằng nhiều khả năng đảng Quốc đại Nepal (NC), đảng lớn thứ hai trong quốc hội hiện nay, sẽ dẫn đầu chính quyền liên minh mới.

Ông Khanal được Quốc hội Nepal bầu làm Thủ tướng đầu tháng Hai vừa qua, chấm dứt 7 tháng bất ổn chính trị tại quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, sau nhiều lần tiến hành cải tổ bộ máy chính quyền, Thủ tướng Khanal vẫn chưa lập ra được bộ máy nội các cuối cùng, do những bất đồng về vấn đề chia sẻ quyền lực và phân bổ các chức vụ trong nội các cho đảng CPN-UML và hai đảng nhỏ hơn khác trong liên minh cầm quyền.

Gần đây nhất, quyết định bổ nhiệm 9 nghị sỹ Maoist vào Nội các của ông Khanal hôm 1/8 đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Quốc hội và ngay cả trong các thành viên của đảng của ông.

Hai vấn đề trọng yếu đối với Chính phủ Nepal hiện nay là hoàn tất tiến trình hòa bình và soạn thảo hiến pháp mới trước ngày 31/8 tới, thời điểm hoạt động của Hội đồng lập pháp hết hiệu lực sau nhiều lần gia hạn.

Hội đồng này, gồm 601 thành viên được bầu năm 2008 với nhiệm kỳ hai năm, nhằm soạn thảo hiến pháp mới cho Nepal sau khi chấm dứt cuộc nội chiến dài cả thập kỷ và kết thúc chế độ quân chủ kéo dài 240 năm ở nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục