Lãi suất liên ngân hàng đồng loạt tăng ở các kỳ

Theo Ngân hàng Nhà nước, thị trường liên ngân hàng, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND đồng loạt tăng ở tất cả các kỳ hạn.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tuần qua trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND đồng loạt tăng ở tất cả các kỳ hạn.

Tăng mạnh nhất là lãi suất giao dịch bình quân qua đêm và 1 tuần với các mức tăng lần lượt là 2,39 điểm % và 1,19 điểm %. Các kỳ hạn còn lại có các mức tăng từ 0,06 điểm % đến 0,79 điểm %.

Lãi suất bình quân qua đêm ở mức 11,33%/năm, tăng 2,39 điểm % so với kỳ trước. Lãi suất các kỳ hạn còn lại đều giao động quanh mức 13% và 13,5%. Lãi suất bình quân cao nhất trong tuần là kỳ hạn 3 tháng, hiện ở mức 13,45%. Tuần này không phát sinh giao dịch kỳ hạn 6 tháng.

Đối với các giao dịch bằng USD, lãi suất bình quân các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần tăng, lần lượt tăng 0,04 điểm % và 0,35 điểm %. Các kỳ hạn còn lại giảm, trong đó kỳ hạn qua đêm giảm nhẹ 0,01 điểm %; kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng giảm tương đối với các mức giảm lần lượt là 0,22 điểm % và 0,49 điểm %. Lãi suất bình quân qua đêm ở mức 0,52%/năm; lãi suất bình quân các kỳ hạn còn lại dao động từ 0,97% đến 3,25%/năm.

Kỳ này không phát sinh giao dịch USD 6 tháng, giao dịch USD 12 tháng phát sinh không đáng kể.

Về lãi suất của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện lãi suất huy động phổ biến ở mức 14-15%/năm, tập trung ở kỳ hạn dưới 3 tháng.

Tuy nhiên, ngày 14/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động VND không quá 14%/năm, bao gồm cả các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức.

Đối với lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu ở mức 12-13%/năm; các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 14-18%/năm; đối với lĩnh vực phi sản xuất từ 18-20%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bình ổn thị trường ngoại tệ, duy trì ổn định tỷ giá, góp phần hạn chế nhập siêu, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện bán can thiệp ngoại tệ đối với các nhu cầu thiết yếu.

Ngoài ra, Tổ công tác liên vụ của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang thực hiện giám sát việc cho vay bằng ngoại tệ và thanh toán ngoại tệ để nhập khẩu của các tổ chức tín dụng đối với các mặt hàng thuộc Danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu theo quy định của Bộ Công Thương./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục