Thị trường UPCoM: Thay đổi để tạo sức bật

Thị trường đăng ký cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) đã được đưa vào vận hành từ tháng 6 nhưng có vẻ như các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Tuy nhiên, một phương án tổng thể nhằm nâng cao tính hấp dẫn của UPCoM đã được HNX trình lên Bộ Tài chính với nhiều kiến nghị thay đổi quan trọng. Nếu các đề xuất này được Bộ Tài chính thông qua sẽ tạo một “cú hích” quan trọng trên UPCoM.
Trong thời gian qua, bên cạnh sự sôi động của thị trường niêm yết thì thị trường OTC, với lượng cổ phiếu đa dạng và lớn hơn rất nhiều, vẫn im lìm.

Mặc dù thị trường đăng ký cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) đã được Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào vận hành từ tháng 6/2009 nhưng có vẻ như các nhà đầu tư và công ty đại chúng vẫn không mấy mặn mà với thị trường này.

Tuy nhiên, một phương án tổng thể nhằm nâng cao tính hấp dẫn của UPCoM đã được HNX trình lên Bộ Tài chính với nhiều kiến nghị thay đổi quan trọng. Nếu các đề xuất này được Bộ Tài chính thông qua sẽ tạo một “cú hích” quan trọng trên UPCoM.

Những hạn chế cần thay đổi

Điều dễ nhận thấy là việc mất thanh khoản của thị trường OTC đã hạn chế việc huy động vốn để phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là thị trường có mức vốn hóa và số lượng doanh nghiệp lớn hơn rất nhiều so với thị trường niêm yết.

UPCoM với chức năng và nhiệm vụ của mình được xem như là lời giải cho cổ phiếu của các công ty đại chúng. Mặc dù đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 15 công ty đang giao dịch, giá trị trung bình mỗi ngày khoảng 4 tỷ đồng và vài trăm ngàn cổ phiếu được trao tay. Nhiều mã cổ phiếu trước đây mất thanh khoản trong thời gian dài, nay lên UPCoM, đã có giao dịch vài chục ngàn cổ phiếu/ngày.

Mặc dù đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận nhưng sau một thời gian hoạt động, các nhà đầu tư và các công ty chứng khoán đã chỉ ra và kiến nghị nên thay đổi là phương thức giao dịch khác thay vì chỉ áp dụng phương thức giao dịch thỏa thuận (điện tử và thông thường) và quy định không được xé lệnh.

Tuy nhiên, theo quan điểm của HNX thì phương thức giao dịch trên là không thể thay đổi bởi đó là đặc trưng mang tính đặc thù của thị trường OTC có quản lý, trong đó, đề cao vai trò tạo lập thị trường (market maker) của các công ty chứng khoán.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà các công ty chứng khoán chưa sẵn sàng với vai trò market maker thì cần cho phép các lệnh giao dịch được xé lẻ. Nếu được chấp thuận thì điều này sẽ khắc phục được những bất cập trong phương thức giao dịch hiện nay. Có nghĩa là với lệnh bán 10.000 cổ phiếu B, trong khi lệnh mua chỉ có 5.000 cổ phiếu B thì lệnh mua vẫn được khớp.

Một nguyên nhân nữa được chỉ ra là những quy định đối với UPCoM chưa tạo được cơ chế linh hoạt trong giao dịch - vốn là một đặc trưng hấp dẫn nhất của thị trường tự do.

Chính vì vậy, một giải pháp đã được đề xuất chính là việc cho phép các công ty chứng khoán được phép tổ chức thị trường song song với UPCoM của HNX. Điều đó có nghĩa là, nếu doanh nghiệp đăng ký lên UPCoM sẽ theo quy định hiện hành, còn các công ty đại chúng, sau khi thực hiện lưu ký chứng khoán cũng sẽ được giao dịch tại sàn do các công ty chứng khoán tổ chức và chỉ phải gửi báo cáo về HNX để tổng hợp, chuyển sang Trung tâm Lưu ký để thanh toán, bù trừ.

Theo HNX, đề xuất này sẽ tạo một nguồn hàng khá lớn đang nằm tại các công ty chứng khoán (hiện có khoảng gần 190 công ty đại chúng ủy quyền quản lý sổ cổ đông tại các công ty chứng khoán). Đề xuất trên cũng sẽ tạo tính thanh khoản rất tốt cho thị trường, song điều quan trọng hơn là sẽ tạo sự minh bạch cho các giao dịch tại công ty chứng khoán.

Một quan chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thừa nhận, dù UPCoM ra đời song do chưa có nhiều hấp dẫn nên thị trường tự do vẫn diễn ra sôi động dưới nhiều hình thức khác nhau.

Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề cho các công ty chứng khoán được tổ chức giao dịch thì cũng có nghĩa cơ quan quản lý sẽ phải giải quyết một số vấn đề mang tính kỹ thuật đặt ra, trong đó có việc xác định giá tham chiếu khi một loại cổ phiếu được nhiều công ty chứng khoán tổ chức giao dịch, rồi xác định biên độ...

Tăng tính hấp dẫn cho UPCoM


Dù vẫn còn nhiều hạn chế về số lượng cũng như chất lượng hàng hóa trên UPCoM hiện nay song có thể nhận thấy, sắp tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp mặn mà hơn với việc đăng ký giao dịch trên UPCoM, đặc biệt khi các quy định tạo sự thông thoáng hơn cho thị trường được thông qua.

Mặc dù có kết quả đáng khích lệ, nhưng với điều kiện giao dịch hiện nay (thanh toán T+3; nhà đầu tư cá nhân không được cùng mua, cùng bán trong phiên; giờ giao dịch không thực sự thuận tiện...) đã tước đi tính linh hoạt, vốn là điểm hấp dẫn của thị trường OTC. Đó cũng là lý do khiến công ty đại chúng chưa đủ điều kiện niêm yết không thực sự mặn mà khi đăng ký giao dịch tại đây, việc lưu ký chứng khoán tập trung không được công ty đại chúng hào hứng thực hiện.

Mặc dù Ủy ban chứng khoán có công văn yêu cầu công ty đại chúng phải thực hiện lưu ký chứng khoán từ tháng 6/2009 nhưng đến nay, mới có gần 20 doanh nghiệp lưu ký chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt để được tự do giao dịch. Trước bối cảnh đó, nhiều ý kiến đề xuất giải pháp tạo tính thanh khoản cho thị trường OTC, thúc đẩy doanh nghiệp lưu ký chứng khoán tập trung.

Ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Hải Phòng (HPS) cho biết, tạo cơ chế giao dịch thuận lợi cho cổ phiếu OTC là việc trước hay sau cơ quan quản lý cũng phải làm, bởi vai trò quan trọng của thị trường này.

Hiện tại, cơ quan quản lý mới thực hiện xong việc xây “chợ”, nhưng việc tạo hàng mới chỉ là bắt đầu. Để thị trường sôi động thì điều quan trọng là chất lượng hàng hóa phải được kiểm chứng và minh bạch hóa thông tin.

Ngoại trừ khoảng 15-20 trong số 50 doanh nghiệp trong ngành dầu khí được đánh giá có triển vọng tham gia UPCoM, một số ngân hàng đã có kế hoạch đăng ký giao dịch trên UPCoM. Đó là các trường hợp của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Á (DaiABank) - đã được HNX chấp thuận cho đăng ký giao dịch từ ngày 19/8, và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) - với dự định lên UPCoM vào tháng 10 tới.

Riêng về khối cổ phiếu của các ngân hàng, khả năng về việc tăng thêm số lượng là hoàn toàn có thể khả thi khi mà những vướng mắc về việc đăng ký giao dịch của ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính tháo gỡ (về việc có phải xin phép khi lên đăng ký giao dịch, cơ chế báo cáo giao dịch,...).

Mặt khác, với những ngân hàng quy mô nhỏ, khi mà điều kiện để lên niêm yết còn có ràng buộc nhất định, chưa đáp ứng được (tiêu chuẩn niêm yết, cơ chế công bố thông tin...) thì việc lên UPCoM là việc phải tính tới trong lộ trình phải đáp ứng tiêu chuẩn về vốn: tối thiểu 2.000 tỷ đồng trong năm nay và 3.000 tỷ vào năm 2010.

Nếu việc đăng ký giao dịch của các doanh nghiệp trong khối dầu khí và ngân hàng trên UPCoM hoàn thành thì thị trường UPCoM sẽ có thêm lực hấp dẫn bởi đây chính là những hàng hóa được nhiều nhà đầu tư quan tâm cả trên thị trường niêm yết và tự do. Cho dù thế nào, đây cũng là những tín hiệu tích cực nhằm “hâm nóng” thị trường OTC trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục