Julian Lloyd Webber và tiếng hồ cầm

Đêm 6.03.2009 Hà Nội rất lạnh trong cái rét nàng Bân vậy mà khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội vẫn đông chật khán giả đến với chương trình hòa nhạc thường niên do Hennessy tổ chức với tên tuổi cây cello (Việt Nam gọi là hồ cầm) nổi tiếng Julian Lloyd Webber (Anh quốc) cùng một danh sách các tác phẩm âm nhạc cổ điển tuyệt vời và quen thuộc với người nghe Hà Nội.

Đêm 6.03.2009 Hà Nội rất lạnh trong cái rét nàng Bân vậy mà khán phòng Nhà hát lớn  Hà Nội vẫn đông chật khán giả đến với  chương trình hòa nhạc thường niên do Hennessy tổ chức với tên tuổi cây cello (Việt Nam gọi là hồ cầm) nổi tiếng Julian Lloyd Webber (Anh quốc) cùng một danh sách các tác phẩm âm nhạc cổ điển tuyệt vời và quen thuộc với người nghe Hà Nội.

Những hợp âm đầu tiên, đẹp một cách huy hoàng của Adagio (trích từ Cantata của J. S Bach) đã mở đầu đêm diễn dẫn người nghe vào không gian âm nhạc đậm chất. Để rồi sau đó là điệu Scherzetto của nhạc sĩ Frank Bridge (người Anh), một tác phẩm đặc biệt dành cho Cello do J. L. Webber phát hiện trong thư viện của Đại học Âm nhạc Hoàng gia, nơi ông theo học thời trai trẻ và chính ông đã khai diễn tác phẩm này vào năm 1979 tại Khán phòng Maltings, Snape (Anh), 77 năm sau khi tác phẩm ra đời và 100 năm sau ngày sinh của nhạc sĩ F. Bridge.

Khán phòng như bị thôi miên bởi tiếng đàn của J.L.Webber. Hoàn hoàn im lặng cho đến lúc nữ nghệ sĩ piano Pam Chowhan, người Anh gốc Ấn xuất hiện. Và rồi sự hòa quyện của hai nhạc cụ, của hai kỹ thuật bài bản, Scherzo-Pizzicato chương thứ 2 bản Sonata cung Đô trưởng dành cho Cello và Piano của nhạc sĩ Benjamin Britten đã làm cho khán phòng lặng im trở lại. Dường như tất cả nín thở lắng nghe tiếng bật giây tài tình của nghệ sĩ cello...

Nối tiếp ngay sau đó là một là điệu nhạc buồn Élégie của Gabriel Fauré. Phần phô diễn tuyệt đẹp cho âm sắc bi và chất biểu cảm đầy xúc động của cây đàn Cello cùng với giai điệu trải rộng trên những hợp âm u buồn và dứt khoát của cây đàn pianô ở đoạn đầu. Sự giao lưu hết sức ăn ý và đầy ấn tượng giữa hai nhạc cụ trước khi trở về đoạn kết ngắn êm đềm khiến cho người nghe như hình dung ra tiếng xuân đang buông trong đêm Hà Nội. Để rồi tiếp tục đắm say trong một Sonata (cung Rê thứ dành cho Cello và Piano của Claude Debussy). Một lần nữa kỹ thuật diễn tấu mở rộng của cây đàn Cello được J.L. Webber sử dụng rất tài tình và đẳng cấp.

Tiếp sau đó là phần độc tấu cello đầy lãng mạn trên nền những hợp âm của piano gợi người nghe liên tưởng tới hình ảnh thiên nga đang nhẹ lướt trên mặt nước. Đây là Le Cygne (Thiên Nga), trích từ tổ khúc “The Carnival of the Animals” ("Ngày hội của muông thú") của Camille Saint-Saëns (chương thứ 13 và cũng là chương duy nhất được nhạc sĩ Camille Saint-Saëns lúc sinh thời cho phép công bố và biểu diễn). Phần 1 được kết bằng Vũ điệu Nghi thức Lửa, trích từ “El amor brujo” của Manuel de Falla, đầy ấn tượng.

Các nghệ sĩ trở lại với phần 2 của  chương trình bằng các nhóm tác phẩm. Nhóm những “câu chuyện riêng tư” bằng âm nhạc đầy cảm động của gia đình nghệ sĩ. Bản “Trong ánh sáng chập chờn” là của người cha William, “Khúc nhạc của đêm ” (trích từ Phantom of the Operra) là của anh trai Andrew. Một bản nhạc có sức lâu bền nhất của người nhạc sĩ này. Và “Bài ca dành cho Baba” là của chính Julien.L.Webber.

J.L.Webber không phải là một nhà soạn nhạc, ông coi trọng tình cảm của mình với nghệ thuật biểu diễn và cây cello Barjansky có từ 1690 của mình. Ông cho biết,chỉ khi nào cuộc sống có sự kiện đem đến những cảm xúc mãnh liệt không thể đặng đừng thì ông sáng tác. “Bài ca dành cho Baba” bằng âm nhạc được viết khi con trai của ông ra đời (1992). Nhóm,các bản sonata với những tâm trạng mạnh mẽ, các cảm xúc tương phản và kết thúc bằng một Allegro gợi nhớ đến tài năng thiên phú của J.S. Bach, người nhạc sĩ đã có tác phẩm âm nhạc mở đầu cho đêm nghệ thuật được cấu trúc một cách tuyệt vời này..

Từng có rất nhiều đĩa thu âm nổi tiếng, trong đó có “Cocerto của Elgar” do Y. Menuhin chỉ huy, đoạt giải Âm nhạc BRIT- Anh quốc (tương tự như Giải Grammy của Hoa Kỳ) và được Tạp chí Âm nhạc BBC bình chọn là phiên bản thu âm tinh tế nhất mọi thời đại, hay “Concerto của Dvorak”, “Các khúc biến tấu Rococo” của I. Tchaikovsky thu âm với DN Giao hưởng London, dưới sự chỉ huy của M. Shostakovich... tiếng đàn của J.L. Webber đã truyền cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ nổi tiếng của thời đại.

Không chỉ say mê âm nhạc đỉnh cao, luôn dành toàn bộ năng lực cho tiếng đàn đẳng cấp và nghệ thuật biểu diễn của mình, J.L.Webber còn chú trọng đến nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ, mà ông tự ra cho mình... Nếu người ta vẫn nói tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, là cây cầu bắc qua mọi biên giới thì với ông, âm nhạc cũng ở vị trí đó và còn hơn thế nữa. Âm nhạc kết nối mọi con tim trên toàn hành tinh này, gắn kết mọi con người không cùng màu da, biên giới, chính trị... Âm nhạc đem con người đến với nhau, chia sẻ và gắn bó... và ở tiếng đàn của J.L.Webber người ta cảm nhận được tất cả những điều đó./.

Trần Thị Trường (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục