Kỳ họp ABAC thảo luận hội nhập kinh tế quốc tế

Kỳ họp thứ 3 của ABAC ở TP.HCM từ ngày 16 - 19/7 tới sẽ tập trung thảo luận các vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế và an ninh lương thực.
Ngày 4/7, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức họp báo về các nội dung và chương trình của Kỳ họp thứ 3 Hội đồng tư vấn Kinh doanh ABAC sẽ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 16 đến ngày 19/7 sắp tới.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2012.

Theo Ban tổ chức, Kỳ họp thứ 3 sẽ tập trung thảo luận để đưa ra báo cáo chính thức, các khuyến nghị của ABAC gửi lên các nhà lãnh đạo APEC và nội dung đối thoại với lãnh đạo APEC tại kỳ họp Thượng đỉnh.

Trọng tâm hoạt động của ABAC trong năm 2012 đó là “Khát vọng thành hiện thực”. Theo đó, ABAC sẽ cơ cấu thành 6 nhóm chuyên đề. Các nhóm này có nội dung hoạt động chính như nhóm Hội nhập kinh tế khu vực tập trung vào vấn đề hội nhập kinh tế khu vực, tự do hóa thương mại và đầu tư; nhóm phát triển bền vững tập trung vào nội dung an ninh lương thực, chuyển giao công nghệ và đầu tư vào công nghệ tiên tiến, an ninh năng lượng.

Nhóm phát triển cơ sở hạ tầng tập trung vào chuỗi cung ứng và vận tải, phát triển xanh, thành phố sinh thái, phát triển quan hệ đối tác công - tư; nhóm Tài chính và Kinh tế ưu tiên các vấn đề ổn định hệ thống tài chính, quan hệ của khu vực với tình hình G20, tín dụng cho doanh nghiệp vừa-nhỏ-siêu nhỏ, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp vừa-nhỏ-siêu-nhỏ.

Nhóm Phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp vừa-nhỏ-siêu nhỏ tập trung vào vấn đề phát triển nhân lực, tăng trưởng về con người, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp mới ra đời và các chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp vừa-nhỏ-siêu nhỏ tăng trưởng bền vững.

Cuối cùng là nhóm Chương trình hành động và hỗ trợ chính sách sẽ theo dõi tình hình triển khai các khuyến nghị của ABAC, xây dựng chương trình hành động và ủng hộ chính sách của APEC theo các mục tiêu ưu tiên của ABAC 2012, tăng cường quan hệ hợp tác kết nối với các cơ quan của APEC.

ABAC gồm đại diện của 21 nền kinh tế thành viên. Mỗi nền kinh tế APEC được chỉ định tối đa 3 đại diện, lựa chọn từ khu vực kinh tế tư nhân để tham gia ABAC. Thành viên ABAC sẽ do nguyên thủ nền kinh tế APEC chính thức bổ nhiệm. Thành viên được bổ nhiệm sẽ đại diện cho khu vực kinh tế tư nhân ở mọi cấp độ, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.

ABAC là một cơ quan thường trực, đại diện cho tiếng nói độc lập của doanh nhân trong khuôn khổ hoạt động của APEC; là một tổ chức phi chính phủ duy nhất có vai trò chính thức trong Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC thông qua cuộc đối thoại chính thức với các nhà Lãnh đạo APEC.

Bên cạnh đó, ABAC có nhiệm vụ theo dõi tiến trình hoạt động của APEC trong việc tự do hóa thương mại và đầu tư thông qua các kế hoạch hành động của từng nền kinh tế thành viên và có trách nhiệm đưa ra khuyến nghị cho lãnh đạo các nền kinh tế APEC về hoạt động cho tương lai với mục tiêu cải thiện toàn diện môi trường kinh doanh trong khu vực./.

Thúy Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục