Lực lượng thương lái là "mắt xích" không thể thiếu

Lực lượng thương lái hiện là một trong những “mắt xích” không thể thiếu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ lương thực ở Việt Nam. Theo Tiến sĩ Hoàng Thọ Xuân (Bộ Công Thương), hệ thống thương lái là thích hợp nhất và không thể thay thế được đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, phải tổ chức lại lực lượng này bằng các chính sách kinh tế, biến họ thành lực lượng thu mua chuyên nghiệp, thông qua doanh nghiệp Nhà nước để chi phối và kiểm soát.
Ngày 21/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống phân phối lương thực ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với sự tham gia của sở nông nghiệp các tỉnh phía Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phương án phát triển hệ thống phân phối lương thực này được đưa ra nhằm định hướng mạng lưới thu mua, chế biến, cung ứng cho người tiêu dùng, đảm bảo lợi ích của người sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận được lương thực với giá mua hợp lý, thiết lập an ninh lương thực quốc gia một cách bền vững trong cơ chế thị trường, hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế.

Đánh giá về vai trò của các thành phần tham gia hệ thống phân phối lương thực trong tương lai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho rằng, lực lượng thương lái (hàng xáo) là một trong những “mắt xích” không thể thiếu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ lương thực.

Theo dự thảo, đặc điểm sản xuất lúa ở Việt Nam nhỏ lẻ, manh mún với hàng triệu hộ sản xuất, vì vậy chỉ có hệ thống thương lái có nhiều kinh nghiệm, am hiểu địa bàn, tổ chức gọn nhẹ, cơ động có thể len lỏi vào vùng sâu, vùng xa, đến từng hộ mua lúa trong điều kiện sông kênh chằng chịt, điều này các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khó có thể làm được.

Hiện có khoảng 80-90% sản lượng lúa hàng hóa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được bán thông qua mạng thương lái, trong đó có một số doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các thương lái trong việc thu gom hàng phục vụ xuất khẩu.

Tiến sĩ Hoàng Thọ Xuân (Bộ Công Thương) cho rằng, hệ thống thương lái là thích hợp nhất và không thể thay thế được đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, phải tổ chức lại lực lượng này bằng các chính sách kinh tế, biến họ thành lực lượng thu mua chuyên nghiệp, thông qua doanh nghiệp Nhà nước để chi phối và kiểm soát.

Ngoài ra, các cơ sở thu mua của doanh nghiệp cần được bố trí ở những vùng trọng điểm về lúa, có vị trí giao thông thuận lợi, bên cạnh các chợ đầu mối lúa gạo và các cơ sở xay xát, kho dự trữ.

Đồng thời, các chợ đầu mối lúa gạo ở các trọng điểm sản xuất lúa không nên quá nhiều, chợ phải thực sự là chợ của nông dân, thương lái; cơ sở thu mua của doanh nghiệp cũng cần tham gia giao dịch tại chợ, từ đó từng bước tạo điều kiện để nâng cấp những chợ lớn thành sàn giao dịch lúa gạo.

Về quy hoạch mạng lưới phân phối trong nước, tiến sĩ Hoàng Thọ Xuân cho rằng, cần tập trung ổn định các thị trường trọng điểm là đô thị, các khu công nghiệp và cư dân phi nông nghiệp.

Trong mạng lưới này, ba thành tố quan trọng hơn cả là kho dự trữ; cơ sở bán lẻ; công nghệ điều phối, điều tiết, vận hành hệ thống./.

Liên Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục