"Tây Nguyên cần chính sách nguồn nhân lực riêng"

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng các tỉnh vùng Tây Nguyên cần có chính sách đặc thù riêng về phát triển nguồn nhân lực.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng các tỉnh vùng Tây Nguyên cần có chính sách đặc thù riêng về phát triển nguồn nhân lực, từ người học (đồng bào dân tộc thiểu số) đến giáo viên giảng dạy… để từng bước đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng đã phát biểu như vậy tại Hội nghị quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngày 18/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết thay đổi nhận thức để các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vùng Tây Nguyên, thống nhất cùng các bộ, ngành chức năng để chăm lo phát triển nguồn nhân lực.

Các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp các tỉnh vùng Tây Nguyên rà soát lại mạng lưới, hệ thống các trường đào tạo đại học, cao đẳng, bảo đảm phù hợp với đặc thù kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên, chú ý hơn nữa nhân lực ngành giáo dục, y tế, mở các khoa, trường văn hóa, du lịch.

Các tỉnh vùng Tây Nguyên, trước mắt chưa nên mở các trường đại học công nghệ cao mà chỉ nên liên kết, hợp tác liên vùng, hợp tác quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực về các lĩnh vực chuyên môn này.

Hội nghị cũng đưa ra các giải pháp liên vùng về phát triển nguồn nhân lực cho các tỉnh vùng Tây Nguyên như có chính sách phát triển nguồn nhân lực đối với đồng bào dân tộc thiểu số, mở rộng đối tượng cử tuyển, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa, đào tạo định hướng...

Các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng nghiên cứu, ban hành các chính sách đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật từ nơi khác đến công tác lâu dài ở Tây Nguyên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hiện hành (đối với cán bộ khoa học kỹ thuật nơi khác đến) cần tạo điều kiện về cấp đất ở, nhà ở, tuyển dụng thẳng vào biên chế nhà nước không qua tập sự…

Các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng quy hoạch, xây dựng mạng lưới đào tạo, dạy nghề nội vùng, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 15 trường đại học, cao đẳng, đồng thời hợp tác liên vùng, hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực… để đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, từng bước đưa Tây Nguyên trở thành vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2020, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các tỉnh vùng Tây Nguyên sẽ kéo theo chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại.

Cụ thể, đến năm 2020, các tỉnh vùng Tây Nguyên trong cơ cấu lao động khu vực nông- lâm-ngư nghiệp chiếm 45%, công nghiệp-xây dựng chiếm 24%, khu vực dịch vụ chiếm 31%. Các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên, đến năm 2015 đạt 40%, năm 2020 đạt 55%, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 14 đến 15 vạn lao động tại địa phương, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 3%, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 88% đến 90%.

Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dân số ở vùng Tây Nguyên là trên 5,1 triệu người, chiếm 5,8% dân số của cả nước, mật độ dân số trung bình của vùng đạt 92 người/km2, trong đó dân số đô thị có 1,4 triệu người, chiếm 28% tổng dấn số.

Toàn vùng hiện có 45 dân tộc, trong đó 12 dân tộc thiểu số tại chỗ, chiếm 25,8% dân số toàn vùng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2006-2010 đạt 8,9%. Tuy nhiên, hiện nay trình độ dân trí ở các tỉnh vùng Tây Nguyên vẫn còn thấp so với bình quân chung của cả nước, tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng mới chỉ có 27%.

Tổng số lao động làm việc trong nền kinh tế tăng từ 1,9 triệu người năm 2.000 lên 2,4 triệu người năm 2008. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị của các tỉnh vùng Tây Nguyên đã giảm dần từ 5,16% xuống còn 2,51% hiện nay, thấp nhất trong cả nước./.

Quang Huy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục