Gay cấn đua tranh chức Tổng giám đốc UNESCO

Hội đồng chấp hành UNESCO đang có sự lựa chọn khó khăn khi hai ứng cử viên cho chức Tổng giám đốc đang có số phiếu ngang nhau.
Hôm nay (22/9), Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) bỏ phiếu vòng thứ năm, cũng là vòng cuối cùng trong tiến trình bầu chọn Tổng giám đốc mới, thay ông Koichiro Matsuura, người Nhật Bản, sắp hết nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, Hội đồng chấp hành UNESCO đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn sau khi hai ứng cử viên sáng giá vào chức Tổng Giám đốc UNESCO giành số phiếu ủng hộ ngang bằng nhau trong vòng bỏ phiếu thứ tư ngày 21/9.

Một nửa (29) trong số 58 thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO ủng hộ ứng cử viên người Ai Cập là Bộ trưởng Văn hóa Faruq Hosni, trong khi nửa còn lại ủng hộ ứng cử viên người Bulgaria là Đại sứ nước này tại Pháp Irina Bokova.

Trước đó, ông Hosni được đánh giá là ứng cử viên có nhiều khả năng chiến thắng nhất sau khi đối thủ chính của ông, Ủy viên châu Âu về quan hệ đối ngoại Benita Ferrero-Waldner, rút khỏi cuộc đua ngay trước vòng bỏ phiếu thứ tư.

Theo các nhà quan sát, ông Hosni được đại diện các nước trong Liên minh châu Phi và Liên đoàn Arập ủng hộ nhờ tuyên bố năm ngoái của ông được cho là ủng hộ thế giới Hồi giáo rằng sẽ "đốt hết các cuốn sách và bộ phim phát hành bằng tiếng Do thái".

Ông Hosni còn nhận xét nền văn hóa Israel là "thiếu tính nhân văn". Trong khi đó, nhiều đại biểu Do thái coi những nhận xét của ông Hosni là mang tính "bài Do thái". Tuy nhiên, một đại diện của châu Âu cho biết không có không khí "chống Ai Cập" trong phòng họp, nhưng thừa nhận những tuyên bố này của ông Hosni "rất nhạy cảm". Ứng cử viên người Bulgaria giành được sự ủng hộ vào phút chót sau khi một số ứng cử viên khác rút lui, một phần để tập trung phiếu cho bà Bokova.

UNESCO cho biết nếu kết quả bỏ phiếu trong vòng cuối cùng không phân định được người chiến thắng, Hội đồng chấp hành sẽ chọn Tổng giám đốc mới bằng hình thức rút thăm giữa các ứng cử viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục