Tăng cường hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4-5/11 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4-5/11 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Chuyến thăm cũng nhằm trao đổi các biện pháp củng cố quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư, thúc đẩy việc triển khai công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ, và tăng cường phối hợp giữa hai nước trong các diễn đàn khu vực và đa phương.

Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Hun Sen sau khi nhậm chức thủ tướng nhiệm kỳ 4 (9/2008-2013) diễn ra trong lúc quan hệ giữa hai nước tiếp tục được tăng cường và phát triển theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.”

Thời gian qua, hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Kể từ sau khi đăng quang tháng 10/2004, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã hai lần thăm chính thức Việt Nam vào tháng 3/2006 và tháng 6/2008. Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết thăm Campuchia vào tháng 2/2007.

Hai bên đã tiến hành Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ 4 tháng 2/2008 và Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học, Kỹ thuật tại Đà Nẵng tháng 10/2008.

Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước đã được đẩy mạnh và có những bước phát triển tích cực. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng tăng, từ 180 triệu USD năm 2000 lên đến gần 1,2 tỷ USD năm 2007. Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 2 tỷ USD vào năm 2010. Bên cạnh đó, đầu tư của Việt Nam vào Campuchia năm 2007 đạt khoảng 100 triệu USD.

Hai nước cũng đã đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, năng lượng, y tế, giao thông vận tải, an ninh, quốc phòng. Hai bên hợp tác tốt trong việc giải quyết các vụ việc phát sinh trên đường biên giới, giữ vững an ninh, ổn định ở khu vực biên giới và thỏa thuận phấn đấu hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ vào năm 2012.

Bên cạnh quan hệ hợp tác song phương, hai bên nước còn đẩy mạnh hợp tác trong ASEAN, trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế như Ủy hội sông Mekong (MRC), Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), Chương trình phát triển các vùng nghèo liên quốc gia dọc Hành lang Đông-Tây (EWEC), Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady-Chao Praya-Mekong (ACMECS)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục