Đại biểu QH yêu cầu tăng thời lượng phim Việt

Đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng cần tiếp tục giữ quy định về tỷ lệ phim nước ngoài được chiếu ở rạp và trên truyền hình, và cho rằng đây giải pháp hợp lý để bảo vệ điện ảnh trong nước.

Đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng cần tiếp tục giữ quy định về tỷ lệ phim nước ngoài được chiếu ở rạp và trên truyền hình, và cho rằng đây giải pháp hợp lý để bảo vệ điện ảnh trong nước.

Trong phiên họp sáng 28/5 đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, nhiều đại biểu cho rằng thời lượng chiếu phim Việt Nam trên truyền hình, các rạp quá ít, chưa đủ 30% như quy định, cần đưa tỷ lệ bắt buộc 30% vào Luật.

Đại biểu Phạm Phương Thảo (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị quan tâm đầy đủ hơn đối với phim phát sóng trên truyền hình, quy định tỷ lệ 30% phim Việt Nam cần có bước đi thích hợp.

Về việc thành lập và quản lý doanh nghiệp điện ảnh, các đại biểu cho rằng việc Dự thảo Luật sửa theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành lập liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam trong cả ba lĩnh vực sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim với phần vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định là phù hợp với cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) cho rằng việc quy định phần vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định là con số cụ thể và phù hợp.

Cùng quan điểm này, nhiều đại biểu cho rằng việc hạn chế tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài trong doanh nghiệp phát hành phim, phổ biến phim là cần thiết vì trong điều kiện không hạn chế hạn ngạch nhập khẩu phim, nếu cho phép thành lập doanh nghiệp phát hành phim, phổ biến phim với tỷ lệ góp vốn không hạn chế của phía nước ngoài thì khó có thể kiểm soát được việc nhập khẩu và phổ biến phim nước ngoài của các doanh nghiệp này. Việc giới hạn vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 51% là cần thiết để giới hạn quyền định đoạt của phía nước ngoài trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng điện ảnh thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng, tác phẩm điện ảnh mang tính đại chúng, có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của nhân dân, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm bảo đảm hoạt động điện ảnh phù hợp với định hướng tư tưởng của Đảng, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Các đại biểu đề nghị thống nhất giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lý duy nhất về điện ảnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục