Cứu trợ Hy Lạp

Eurozone có thể nới lỏng điều kiện cứu trợ Hy Lạp

Các nước khu vực Eurozone phát tín hiệu sẽ nhượng bộ và linh hoạt hơn với Athens về thời hạn thực hiện thoả thuận vay 130 tỷ euro.
Ngay sau khi đảng Dân chủ Mới theo đường lối bảo thủ và ủng hộ gói cứu trợ của quốc tế giành chiến thắng tại cuộc bầu cử lại Quốc hội Hy Lạp ngày 17/6, các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã phát đi tín hiệu sẽ nhượng bộ và linh hoạt hơn với Athens về thời hạn thực hiện những điều khoản trong khuôn khổ thoả thuận vay 130 tỷ euro (165 tỷ USD).

Những điều kiện mà Eurozone đưa ra như cắt giảm lương và chi tiêu được coi là vấn đề nóng tại cuộc bầu cử lại ở Hy Lạp, khi tất cả các đảng phái kêu gọi cần có sự nới lỏng, nếu không muốn thấy thoả thuận này bị huỷ bỏ.

Mặc dù vẫn khẳng định sẽ không có những điều chỉnh cơ bản, nhưng Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho rằng các bên liên quan có thể thảo luận về việc trì hoãn thời gian thực hiện các mục tiêu.

Là một trong những thành viên Eurozone cứng rắn nhất, Đức khăng khăng rằng Hy Lạp phải thực hiện thoả thuận nếu họ muốn nhận tiền cứu trợ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi điện chúc mừng nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Mới Antonis Samaras và bày tỏ tin tưởng rằng Athens sẽ tôn trọng các cam kết với Eurozone.

Bà  Merkel nhấn mạnh: "Đức sẽ tiếp tục can dự trên cơ sở Hy Lạp đáp ứng những cam kết của mình".

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici cho biết các bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ nhanh chóng đưa ra tuyên bố về cách tiếp cận đối với tình hình hiện nay ở Hy Lạp.

Theo ông, khu vực Eurozone vẫn yêu cầu Hy Lạp can dự để tiếp tục duy trì đồng tiền chung, nhưng cũng "quan tâm tới những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể" của nước này.

Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone Jean-Claude Juncker cho rằng Eurozone ghi nhận những nỗ lực đáng kể của người dân Hy Lạp. Ông cũng nhấn mạnh rằng những cải cách về cơ cấu và tài chính vẫn là đảm bảo quan trọng nhất giúp Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và thách thức xã hội hiện nay.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo rằng sự linh hoạt và nhượng bộ thái quá từ phía Eurozone đối với Hy Lạp sẽ đặt dấu hỏi về uy tín của khu vực đồng tiền chung này, và có thể tạo tiền lệ "khuyến khích" Ireland, Tây Ban Nha cũng lên tiếng đòi hỏi được nới lỏng trong chính sách "thắt lưng, buộc bụng" hiện nay.

Phản ứng trước kết quả bầu cử lại ở Hy Lạp, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ tiếp tục trợ giúp quốc gia đang vận lộn với khủng hoảng tài chính này.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso kêu gọi đảng Dân chủ Mới sớm thành lập chính phủ liên minh với đảng Xã hội Pasok.

Trong khi đó, IMF nhấn mạnh rằng sự thất bại của Liên minh các lực lượng cực tả (Syriza), vốn phản đối chính sách "thắt lưng, buộc bụng", sẽ mở đường cho nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán về thoả thuận cho Hy Lạp vay 130 tỷ euro.

Anh cũng cam kết sẽ hợp tác với chính phủ mới ở Hy Lạp. Đó là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh ngay sau khi có kết quả cuộc bầu cử lại ở Hy Lạp hôm 17/6.

Từ Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chúc mừng kết quả bầu cử lại ở Hy Lạp và bày tỏ hy vọng rằng nước này sẽ nhanh chóng thành lập chính phủ mới để đối phó với khủng hoảng kinh tế.

Ông Carney khẳng định rằng việc Hy Lạp ở lại khu vực Eurozone mang lại lợi ích cho tất cả các nước, tuy nhiên, Athens cũng cần tôn trọng những cam kết cải cách./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục