Pháp, TBN thúc Eurozone giúp kiềm chế chi phí vay

Pháp và Tây Ban Nha ngày 30/8 lên tiếng thúc giục Eurozone hành động một cách kiên quyết giúp kiềm chế chi phí đi vay trên thị trường.
Pháp và Tây Ban Nha ngày 30/8 cùng lên tiếng thúc giục Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) hành động một cách kiên quyết để giúp kiềm chế chi phí đi vay vào thời điểm lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm trên thị trường Tây Ban Nha đã tăng lên tới mức có thể khiến Madrid phải tìm kiếm gói cứu trợ đầy đủ.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đề nghị Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi phải hành động.

Lời đề nghị được đưa ra trong bối cảnh ECB đang "đánh tiếng" về khả năng sẽ khởi động chương trình mua trái phiếu nhằm trợ giúp những nước thành viên Eurozone đang gặp khó khăn nhất, với điều kiện những nước này phải đưa ra đề nghị chính thức xin sự trợ giúp từ các quỹ cứu trợ của Eurozone và tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện đề ra.

Các nhà lãnh đạo EU hôm 29/6 đã nhất trí về biện pháp cho phép ECB can thiệp trong những tình huống bất thường.

Sau bữa ăn trưa với Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, Tổng thống Pháp Hollande nói rằng việc ECB "lĩnh hội" thông điệp này như thế nào tùy thuộc vào mục tiêu của chính ngân hàng này.

Ông cũng nhấn mạnh rằng bên cạnh sứ mệnh ổn định giá cả, ECB còn một sứ mệnh khác là chính sách tài chính.

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha nói rằng tất cả người dân châu Âu đều ủng hộ đồng euro, song điều quan trọng hiện nay là chấm dứt tình trạng chênh lệch lớn về chi phí đi vay giữa các nước thành viên trong khu vực.

Hiện tại, các nhà đầu tư đang đòi hỏi mức lãi suất lên tới 6,6% đối với trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha, trong khi chỉ yêu cầu lãi suất 1,315% đối với trái phiếu cùng loại của Đức.

Ông Rajoy cho rằng sự chênh lệch quá lớn này đang khiến cho liên minh hoạt động rất khó khăn.

Tây Ban Nha đang tìm cách cắt giảm ngân sách 102 tỷ euro và tăng thuế vào năm 2014, nhằm giảm thâm hụt ngân sách nhà nước từ tương đương 8,9% GDP năm 2011 xuống mức 2,8% GDP.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế Tây Ban Nha có vẻ nguy cấp hơn sau khi khu vực đang gánh số nợ lớn là Valencia cho biết sẽ đề nghị chính quyền trung ương trợ giúp 4,5 tỷ euro.

Trước đó hai ngày, vùng Catalonia cũng đã đề nghị hỗ trợ 5 tỷ euro.

Trong khi đó, trái ngược với sự khẩn cấp của Pháp và Tây Ban Nha, Thủ tướng Solovakia Robert Fico phát biểu trước báo giới ở Bratislava rằng số phận của Eurozone hiện là 50-50, tức khả năng tan rã và tồn tại là như nhau.

Kết quả sẽ phụ thuộc vào việc các nước thành viên nợ nần quá nhiều sẽ chọn lựa cách thức giải quyết khủng hoảng như thế nào./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục