Chứng khoán chờ "sóng"

Chứng khoán tháng 12: "Ngập ngừng" chờ sóng ngắn

Thị trường có dấu hiệu tích cực, nhiều đánh giá đã lạc quan hơn. Nhưng tín hiệu của một đợt sóng ngắn vẫn chưa rõ và tiềm ẩn rủi ro.
Thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc trong một vài phiên gần đây, đáng chú ý phiên ngày (5/12) nhu cầu cổ phiếu trên thị trường khá lớn cho thấy quyết tâm của bên mua đã phần nào kìm chân được hoạt động bán tháo trước đó.

Theo kết quả phân tích, tổng hợp từ ông Marc Djandji, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty chứng khoán Bản Việt, mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa có bất kỳ thông báo chính thức nào, song sự kỳ vọng giảm lãi suất của giới đầu tư đã tiếp tục đẩy thị trường tăng cao cả thanh khoản lẫn chỉ số.

Diễn biến phiên 5/12 cho thấy tâm lý thị trường trở nên hào hứng ngay từ khi mở cửa và ghi nhận mức kỷ lục 220 mã tăng  giá (với 131 mã tăng trần) trên sàn giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), số mã tăng gấp năm lần số mã giảm, tỷ lệ 220:42. Chỉ số VN-Index tăng vọt tới 7,31 điểm lên mức đóng cửa 391,19 (tương đương 1,9%).

Bên phía sàn giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX-Index) cũng có phiên giao dịch thành công với  242 mã tăng giá (với 162 mã tăng trần) về cuối phiên. Trong phiên, số mã tăng gấp năm lần số mã giảm, tỷ lệ 242:49. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 2,9%, tương đương 1,79 điểm lên 63,47 và đây là phiên tăng điểm mạnh nhất của cả hai chỉ số kể từ cuối tháng Mười vừa qua.

Đánh giá về thanh khoản, trên sàn HoSE đã có một sự cải thiện đáng kể với 35 triệu cổ phiếu được giao dịch trong phiên (tăng 44% so với phiên trước đó). Tại sàn Hà Nội, khối lượng cổ phiếu chuyển đổi tăng rất khả quan, với 43 triệu đơn vị giao dịch (tăng hơn 80% so với phiên trước đó).

Với những động thái đang diễn ra trên thị trường chứng khoán, một số chuyên gia đã bắt đầu đưa ra những quan điểm lạc quan hơn về xu thế tăng ngắn hạn mới.

Anh Lê Trần Tường Văn, Chuyên viên môi giới Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra đánh giá với quan điểm cá nhân, về kỹ thuật thị trường đang ở mức thấp nhất trong vòng hai năm qua. Trong khi đó các yếu tố vĩ mô đang dần tốt hơn, vừa qua Tổ điều hành thị trường trong nước đưa ra dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 có thể tăng khoảng 0,5-0,6% so với tháng 11 vừa qua. Như vậy, khả năng kiềm chế CPI cả năm ở mức 18% là có thể đạt được.

Thêm vào đó anh Văn cũng chỉ ra, thông tin mới nhất về việc hợp nhất giữ Ngân hàng cổ phần thương mại Đệ Nhất, Ngân hàng cổ phần thương mại Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng cổ phần thương mại Sài Gòn, với vai trò đại diện phần vốn Nhà nước của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã diễn ra khá suôn sẻ và an toàn. Điểu này đã góp phần hỗ trợ và giải tỏa tâm lý lo lắng của người dân về khả năng mất thanh khoản tại một số ngân hàng nhỏ, cũng như quá trình tái cấu trúc tới đây trong hệ thống ngân hàng.

“Từ nay đến hết năm, với sự kỳ vọng các thông tin vĩ mỗ không thể xấu hơn nữa, thêm vào đó là tín hiệu mua vào trong phiên 5/12 cho thấy nhiều khả năng có dòng tiền mới từ phía các tổ chức giải ngân. Tôi cho rằng tới đây thị trường sẽ hồi phục và ổn định hơn trước,” anh Văn nói.

Tuy vẫn hy vọng về một đợt tăng trưởng ngắn song nhiều chuyên gia vẫn cho rằng cần phải thận trọng theo dõi diễn biến thị trường trong một, hai phiên tới đây.

Anh Lê Phương, Phó phòng Môi giới 2 Công ty Chứng khoán SME nhấn mạnh, việc nhà đầu tư nhỏ lẻ tăng mua tại phiên 5/12 vẫn chứa đựng nhiều tính rủi ro. Cần phải quan sát giá trị mua bán trong những phiên tới, bởi thời điểm này, các doanh nghiệp đang phải tất toán các khoản phải trả nên tính ổn định của dòng tiền chưa rõ ràng.

Thêm vào đó, khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chuỗi bán ra trên cả hai sàn, thậm chí còn tăng lượng bán ròng đạt gần 40 tỷ đồng trên HoSE và hơn 8 tỷ đồng trên HNX. Do đó, anh Phương cho rằng, nhà đầu tư vẫn phải rất cẩn trọng, hoạt động đầu tư phải nhanh, trong trường hợp thị trường có dấu hiệu thanh khoản yếu là phải cắt lỗ ngay./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục