Mỹ công bố nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu

Theo Tổng thống Mỹ, ngày 9/12, Washington công bố nhiều quy định, thúc giục dân góp ý kiến cho hệ thống mới về quản lý xuất khẩu.
Trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ hơn nữa việc xuất khẩu của các công ty Mỹ hướng tới mục tiêu trong 5 năm tới tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của nước này, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 9/12 cho biết Washington vừa công bố một loạt quy định và thúc giục người dân đóng góp ý kiến cho việc thực hiện hệ thống mới về quản lý xuất khẩu.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong cuộc họp với Hội đồng Xuất khẩu của tổng thống - được thành lập hồi tháng Ba vừa qua, với chức năng như một ủy ban tư vấn quốc gia về thương mại quốc tế nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế, Tổng thống Obama đã thông báo những nguyên tắc đầu tiên xác định các sản phẩm là đối tượng của quản lý xuất khẩu cũng như các chính sách cấp phép cho những sản phẩm này trong thời gian tới.

Nhà Trắng kêu gọi người dân đóng góp ý kiến trong hai tháng tới cho các tài liệu quy định những tiêu chuẩn và các bước xác định những sản phẩm xuất khẩu trọng yếu trước khi chúng được hoàn tất.

Tổng thống Obama nhấn mạnh với việc thực hiện hệ thống mới về quản lý xuất khẩu, lần đầu tiên các nhà xuất khẩu Mỹ có thể tải một danh sách điện tử bao gồm hàng nghìn quy định và sản phẩm, qua đó, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ có thêm nhiều lợi ích và tiết kiệm thời gian.

Tổng thống Obama cũng thông báo với các thành viên của Hội đồng Xuất khẩu rằng Hiệp định Tự do thương mại (FTA) mà Mỹ và Hàn Quốc vừa hoàn tất vào tuần trước sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hàng năm của Mỹ thêm 11 tỷ USD và tạo hơn 70.000 việc làm mới.

Trong khi đó, các thỏa thuận mà hãng Boeing và General Electric của Mỹ ký với các đối tác Ấn Độ trong chuyến thăm Ấn Độ vừa qua của nhà lãnh đạo Mỹ có giá trị xuất khẩu lên tới gần 10 tỷ USD và có thể giúp tạo thêm 50.000 việc làm cho người dân Mỹ.

Tổng thống Obama khẳng định chính quyền chỉ ký kết hiệp định thương mại mới với một số đối tác chủ chốt trên nguyên tắc đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các công ty cũng như lợi ích công bằng cho người lao động Mỹ.

Ngoài ra, Tổng thống Obama còn cho rằng mối quan hệ đối tác kinh tế mạnh mẽ có thể giúp Mỹ trở nên thịnh vượng không chỉ ở trong nước mà còn trên toàn thế giới. Do đó, hiện Mỹ đang tập trung làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác kinh tế với Nga trên nhiều lĩnh vực, từ hàng không đến nông nghiệp.

Washington ủng hộ Mátxcơva gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì việc này không chỉ mang lại lợi ích cho Nga mà còn cho cả nước Mỹ và nền kinh tế toàn cầu.

Sáng kiến cải cách quản lý xuất khẩu được công bố lần đầu tiên hồi tháng 8/2009 khi Tổng thống Obama chỉ đạo việc xem xét toàn diện hệ thống quản lý xuất khẩu của Mỹ nhằm đảm bảo hệ thống này liên tục cập nhật những nguy cơ mà nền kinh tế đầu tàu thế giới phải đối mặt cũng như những thay đổi về tình hình kinh tế và công nghệ.

Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ thông báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua ở nước này đã giảm so với dự kiến, làm tăng hy vọng về sự phục hồi của thị trường lao động vốn đang rất mong manh. Đây là tuần thứ năm liên tiếp tỷ lệ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm.

Theo bộ trên, các con số thống kê chính thức cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 4/12, chỉ có 421.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, giảm 17.000 đơn so với dự đoán trước đó.

Ngoài ra, cũng trong ngày 9/12, nền kinh tế số một thế giới còn đón nhận thêm một tín hiệu lạc quan nữa, khi Tập đoàn tài chính ngân hàng Bank of America (BoA) công bố kết quả cuộc khảo sát đối với hơn 800 các giám đốc tài chính trên cả nước.

Kết quả cho thấy có 47% người được hỏi cho rằng các công ty của mình sẽ tuyển dụng thêm lao động vào năm tới, tăng 21% so với tỷ lệ của năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục