Lâm Đồng mạnh tay thanh lọc dự án rừng yếu kém

Thời gian qua, Lâm Đồng có không ít dự án liên quan đến rừng, đất rừng thực hiện sai cam kết; tài nguyên rừng bị xâm hại với mức độ lớn.
Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng có không ít dự án liên quan đến rừng, đất rừng thực hiện sai cam kết; ý thức chấp hành pháp luật của nhiều chủ đầu tư thấp khiến tài nguyên rừng bị xâm hại với mức độ lớn.

Để chấn chỉnh tình trạng này và thu hút đầu tư phát triển tiềm năng đất rừng một cách hiệu quả, tỉnh Lâm Đồng cần mạnh tay hơn trong công tác thanh lọc các dự án yếu kém. Đây là mong muốn của hầu hết những người quan tâm đến việc các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thuê rừng và đất rừng để làm kinh tế.

Nhiều dự án "chây ì" kéo dài

Lâm Đồng là một trong những tỉnh đi đầu trong việc phát triển kinh tế từ rừng với hơn 600.000 ha rừng (chiếm trên 60% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh). Tuy nhiên, việc đầu tư, phát triển kinh tế từ quỹ đất rừng lại đang bị không ít nhà đầu tư làm sai lệch.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đến nay có 543 dự án của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp được tỉnh cho thuê rừng, đất rừng để triển khai đầu tư, kinh doanh với diện tích 80.534 ha. Trong đó có 329 dự án còn hiệu lực với diện tích hơn 55.234 ha.

Bên cạnh một số ít dự án triển khai đúng tiến độ, giữ đúng cam kết, đầu tư có hiệu quả… thì hầu hết các dự án đều ở trong tình trạng trì hoãn kéo dài, "chây ì", thậm chí gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.

Cụ thể, đến nay, Lâm Đồng mới chỉ có 214/329 dự án ký hợp đồng thuê rừng với tổng số tiền phải nộp thấp đến bất ngờ khoảng 2,48 tỷ đồng. Không chỉ trì hoãn, kéo dài việc ký hợp đồng thuê, không ít chủ đầu tư dù đã ký hợp đồng nhưng vẫn “câu giờ” nộp tiền thuê rừng, đất rừng. Hiện Lâm Đồng mới chỉ có 112/214 dự án nộp 1,63/2,48 tỷ đồng tiền thuê rừng.

Các dự án triển khai đầu tư phần lớn là dự án cải tạo rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế, làm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng… Mặc dù tỉnh thường xuyên đôn đốc, giải quyết kịp thời những vướng mắc theo kiến nghị của các nhà đầu tư nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn không triển khai hoặc triển khai dự án rất chậm mang tính đối phó. Hiện có đến 87 dự án với tổng diện tích 16.555 ha đã bị thu hồi.

Tại nhiều dự án bị xâm hại nghiêm trọng ở Lâm Đồng, hàng nghìn cây rừng bị triệt hạ trái phép, hàng chục héc ta đất rừng bị lấn chiếm. Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng đã kiên quyết thu hồi các dự án này, buộc 23 chủ đầu tư có dự án để tài nguyên rừng bị xâm hại nhiều phải bồi thường hơn 8 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, tình hình tài nguyên rừng bị xâm hại vẫn chưa chấm dứt hẳn.

Quyết liệt thanh lọc

Rừng là một lợi thế lớn của Lâm Đồng trong phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Để thu hút đầu tư phát triển từ tiềm năng rừng, mang lại sự bứt phá lớn cho Lâm Đồng, quan trọng nhất hiện nay là cần “gạn đục khơi trong” các dự án đã được cấp phép, cho thuê rừng và đất rừng.

Dừng việc cấp phép các dự án có liên quan đến rừng, đất rừng để lập lại trật tự là điều cần thiết mà Lâm Đồng đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là các cơ quan chức năng của Lâm Đồng cần quyết liệt hơn nữa trong việc thanh lọc các dự án đã được cấp phép; trong đó việc xác định rõ mục đích đầu tư, năng lực của nhà đấu tư đối với dự án cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án là hết sức quan trọng để từ đó có quyết định phù hợp. Cần kiên quyết thu hồi các dự án cố tình vi phạm những cam kết ban đầu, tiếp tục hỗ trợ cho những dự án “nghiêm túc” nhưng gặp khó khăn vì nguyên nhân khách quan để các dự án này đẩy nhanh tiến độ.

Việc điều chỉnh lại lĩnh vực thu hút đầu tư, địa bàn đầu tư, diện tích cho thuê của các dự án trong tổng thể chung cũng cần được chú trọng hơn. Chẳng hạn, việc cho 61 nhà đầu tư thuê rừng, đất rừng trên lâm phần của một Ban quản lý rừng hay việc có nhà đầu tư được thuê đến hàng trăm hécta rồi bỏ rừng bị phá là những trường hợp nên xem xét lại. Hoặc cũng không nên dành quá nhiều cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng mà nên ưu tiên hơn nữa cho các dự án phát triển công nghiệp chế biến lâm sản theo hướng tinh chế, sản phẩm cao cấp.

Nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng ở các dự án là hết sức cấp thiết và đó không chỉ là việc nâng cao năng lực và trách nhiệm pháp lý của các nhà đầu tư sau khi được nhận rừng, đất rừng mà còn là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà đầu tư với các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, là sự đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân tại chỗ./.

Phan Văn Đông (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục