“Tạo lương tối thiểu cần dựa vào mức sống thực tế”

Tiền lương tối thiểu phải hướng tới một việc không để người chủ sử dụng lao động lạm dụng xem đó là lương tham chiếu để quyết định.
Trước việc lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động.

Trả lời báo chí bên lề Quốc hội sáng ngày 26/10, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, tiền lương tối thiểu phải hướng tới một việc không để người chủ sử dụng lao động lạm dụng xem đó là lương tham chiếu để quyết định. Hiện nay, đây là tình trạng chung đối với các doanh nghiệp đặc biệt là đối với các doanh nghiệp FDI, người ta sử dụng lương tối thiểu như là lương tham chiếu, việc đó Nhà nước phải can thiệp.

Hiện nay đang có sự tranh cãi về mức lương tối thiểu cho người lao động, vậy theo bà lương tối thiểu ở mức nào là hợp lý?

Bà Trương Thị Mai: Hiện nay tiền lương phải tính đúng quan điểm giá cả, theo đúng sức lao động trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Như vậy cái hiểu tiền lương theo sức lao động có sự quản lý của nhà nước như thế nào, Bộ Luật Lao động phải có một số điều chỉnh. Ví dụ tiền lương phải là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, nhưng mà thỏa thuận có phải là một yếu tố để có thể bảo đảm cho người lao động có một chính sách tiền lương công bằng hợp lý đối với họ hay chưa đó mới chỉ là một phần. Bởi trong quan hệ lao động giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, người lao động bao giờ cũng yếu thế hơn và người ta cũng không có cơ sở để xem thử tiền lương mà chủ sử dụng lao động đưa ra đã gọi là hợp lý, đúng giá cả cũng như sức lao động của họ hay chưa.

Vì vậy, Bộ Luật Lao động phải bổ sung thêm một số điều quy định vai trò của Nhà nước trong vấn đề tiền lương là giá cả sức lao động có sự quản lý của nhà nước như thế nào. Ví dụ như Nhà nước phải đưa ra cơ chế để thông tin cho người lao động biết tiền lương trong vùng đối với các ngành nghề trong từng giai đoạn để người lao động có thông tin. Trên cơ sở đó, khi ký hợp đồng lao động người ta có thể thỏa thuận với chủ sử dụng lao động về vấn đề tiền lương.

Thứ hai Nhà nước phải đưa ra các cơ chế để hỗ trợ cho các thỏa thuận, các thỏa ước lao động tập thể có thể do người lao động hoặc do đại diện cho người lao động ký kết trong quá trình thương lượng với chủ sử dụng lao động. Nhà nước phải quy định thang lương, bảng lương để đăng ký kiểm tra kiểm soát như thế nào, hoặc quy định về cách thức trả lương cũng là một trong những vấn đề có thể xem xét trong quá trình đảm bảo tính hợp lý trong trả tiền lương cho người lao động.

Tôi thấy xung quanh vấn đề tiền lương và tiền lương tối thiểu đối với người lao động trong quá trình sửa đổi Luật Lao động lần này cũng phải có một cái cụ thể hơn, phải rõ ràng hơn để nhằm mục đích thỏa thuận của người lao động và chủ sử dụng lao động phải trên cơ sở hợp lý. Lương phải đúng sức lao động có sự tham gia của Nhà nước.

Bên cạnh đó nhà nước sẽ định kỳ công bố tiền lương tối thiểu, được xem như mức sàn tối thiểu, mức sống tối thiểu để người lao động, chủ sử dụng lao động có thể căn cứ vào đó có thể xem xét, thỏa thuận về tiền lương. Tuy nhiên, tiền lương tối thiểu phải hướng tới một việc không để người chủ sử dụng lao động lạm dụng xem đó là lương tham chiếu để quyết định. Hiện nay, đây là tình trạng chung đối với các doanh nghiệp đặc biệt là đối với các doanh nghiệp FDI, người ta sử dụng lương tối thiểu như là lương tham chiếu, việc đó Nhà nước phải can thiệp.

Nếu như lương tối thiểu chúng ta công bố khoảng 1,9-2 triệu đồng, doanh nghiệp dựa vào đó trả hơn mức đó một chút thì như vậy đó không phải là mức đảm bảo sự công bằng hợp lý đối với người lao động.

Còn đối với khu vực cán bộ công chức, có một câu hỏi tại sao lương tối thiểu là mức sống tối thiểu, nhưng tại sao mức sống tối thiểu của cán bộ công chức và mức sống tối thiểu của người lao động lại khác nhau. Việc này trong những năm tới khi mà làm cải cách tiền lương chúng ta sẽ xem xét tổng thể lại vấn đề này. Còn Bộ Luật lao động lần này sửa đổi vấn đề tiền lương, lương tối thiểu đang hướng tới 15 triệu lao động có quan hệ lao động.

Theo bà, xác định giá trị thực của sức lao động trên cơ sở nào, tiêu chí nào để xác định được?

Bà Trương Thị Mai: Tôi vừa có nói vai trò của Nhà nước tham gia vào vấn đề này rất quan trọng. Trong dự thảo luật lần này có đưa ra những quy định là Nhà nước phối hợp với tổ chức đại diện cho người lao động là công đoàn định kỳ hàng năm hoặc 3 tháng, 6 tháng như các nước đã làm để đưa ra các thông tin công khai minh bạch về tiền lương. Ví dụ vùng Đông Nam Bộ hiện nay mức lương cho ngành dệt may đang ở mức khoảng 4-5 triệu đồng là hợp lý thì đó được xem như "lương mẫu." Trên cơ sở đó người lao động có thông tin để biết rằng mức lương hiện nay người chủ đang trả cho người ta đã thực sự hợp lý hay chưa, đúng với thị trường lao động ở khu vực đó hay chưa?

Tôi nghĩ những việc này bây giờ chúng ta chưa làm nhưng sắp tới Nhà nước và tổ chức đại diện cho người lao động phải cố gắng làm, làm như thế để người lao động mới có cơ sở hoặc là người đại diện cho người lao động ngay tại từng doanh nghiệp mới có cơ sở đưa ra các thỏa thuận, đưa ra thương lượng hoặc để ký kết hợp đồng lao động.

Có nghĩa là chúng ta dựa trên cơ sở mức sống thực tế để tính lương?

Bà Trương Thị Mai: Đúng như vậy và Nhà nước phải làm việc này. Vì Nhà nước không làm được việc này và tổ chức đại diện cho người lao động ở cấp Trung ương không làm được việc này thì người lao động rất là khó để quyết định mức lương thỏa thuận trong một hợp đồng lao động giữa người chủ lao động và người lao động.

Như vậy thì có mâu thuẫn không vì người chủ thì chỉ muốn trả thấp để giảm chi phí còn người lao động lại muốn được hưởng lương cao?

Bà Trương Thị Mai: Đúng như vậy, trong các mối quan hệ nếu bên nào cũng muốn tăng lợi ích của mình là rất khó, vì phải có vai trò của bên thứ ba đó là Nhà nước và vai trò của tổ chức đại điện cho người lao động trong việc cố gắng đưa ra các thông tin. Thông tin này không mang tính chất áp đặt mà để nghiên cứu, định hướng cho người lao động biết khu vực này hiện lương đang là bao nhiêu, từ đó người ta có thể ký kết mức lương có thể thấp hoặc cao hơn nhưng mà nó không quá cách biệt như hiện nay.

Nhưng với điều kiện trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng đang tăng như hiện nay liệu mức điều chỉnh lương tối thiểu đưa ra có hợp lý?

Bà Trương Thị Mai: Phải thừa nhận rằng, chỉ số giá tiêu dùng của chúng ta tăng liên tục từng năm, vì vậy nó làm cho nền kinh tế của chúng ta không ổn định. Có thể từ năm sau chỉ số giá tiêu dùng quay trở lại một con số và mục tiêu 5 năm sau cũng vậy. Với một sự ổn định như thế thì tiền lương của chúng ta còn có thể tính toán được và còn có thể đưa ra các thông tin công bố được.

Năm nay có một tiến bộ, chúng ta đã đưa mức lương của ba khu vực đi về thời hạn trước một năm. Tức là dự kiến đến năm 2012 khu vực FDI, khu vực tư nhân, khu vực nhà nước sẽ cùng chung một mức lương nhưng năm nay chúng ta đã quyết định sớm hơn nhằm mục đích tạo điều kiện cho người lao động một mức sống mà họ có thể đảm bảo được cho một năm mà lạm phát tăng cao như thế này. Năm sau mới bắt đầu cải cách tiền lương cho 10 năm sắp tới và vấn đề này sẽ được thảo luận một cách chi tiết, sẽ đưa ra những vấn đề cụ thể hơn.

Quy định một mức lương cứng cho từng khu vực liệu có ổn không khi mà trượt giá, lạm phát tăng cao?

Bà Trương Thị Mai: Trước mắt tình hình kinh tế của chúng ta vẫn chưa đạt được sự ổn định thì công bố vùng là hợp lý vì từng vùng mức sống còn đang tương đối chênh lệch. Trong tương lai, phát triển kinh tế của các vùng sẽ có sự dịch chuyển ở mức độ nhất định, nhưng không thể nào nông thôn và đồng bằng lại như nhau được.

Trong Bộ Luật lao động sửa đổi lần này cũng có quy định việc Nhà nước sẽ công bố lương tối thiểu vùng và chia ra khoảng 2-3 vùng thôi. Tôi nghĩ như vậy cũng không nhiều lắm, mức lương cách biệt phải tính toán cho hợp lý nhưng chúng tôi đang khuyến khích một việc thế này: Công bố lương tối thiểu ngành vì thực ra đa số người lao động chỉ rơi vào ngành yếu thế, đặc biệt những ngành sử dụng nhiều lao động như da giầy, dệt may… nếu chúng ta không quy định có khả năng nhóm lao động trong khu vực đó sẽ bị lạm dụng, bị áp dụng lương tối thiểu không hợp lý.

Trong tương lai Nhà nước chỉ nên công bố lương tối thiểu chỉ để bảo vệ khu vực này thôi, còn nền kinh tế của chúng ta vận hành theo cơ chế thị trường không thể áp đặt một mức lương được.

Thưa bà, liệu cải cách tiền lương có đẩy gánh nặng ngân sách lên không?

Bà Trương Thị Mai: Tôi nghĩ rằng gánh nặng ngân sách phải chấp nhận vì cán bộ công chức, người lao động phải có lương tối thiểu để đảm bảo có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu thì người ta mới có thể lao động được. Kể cả doanh nghiệp cũng vậy, nếu doanh nghiệp có hàng ngàn lao động người ta cũng chịu áp lực khi mà chúng ta công bố lương tối thiểu sớm hơn thời hạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải chấp nhận và phải có vận động khuyến khích để giải quyết vấn đề này bởi vì người lao động và cán bộ công chức mà mức lương không thể đáp ứng được cuộc sống tối thiểu thì sẽ rất khó khăn.

Đối với những công chức viên chức nghỉ hưu, lương sẽ tăng lương như thế nào thưa bà?

Bà Trương Thị Mai: Năm sau Luật Bảo hiểm Xã hội cũng sẽ sửa đổi chính sách. Quan trọng nhất trong Luật Bảo hiểm Xã hội là chính sách hưu trí mà chính sách hưu trí sửa đổi sẽ mang tính chất dài hạn hơn và đồng bộ hơn.

Hiện nay nhiều chính sách khác nhau làm chính sách hưu trí của chúng ta không đồng bộ, thống nhất, bất cập. Sửa đổi luật sẽ xem lại chính sách hưu trí là trụ cột an sinh xã hội số một để cho người lao động đến một độ tuổi nào đó không còn lao động được nữa phải có thu nhập bù đắp để có cuộc sống ổn định./.

Xin cảm ơn bà!

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục