ASEAN có thể trở thành động lực thúc đẩy kinh tế

Với mức tăng kinh tế của các nước thành viên đạt từ 5,7-6,4%, ASEAN có lý do trở thành động lực thúc đẩy kinh tế khu vực và toàn cầu.
Đài Bắc Kinh và Đài Tiếng nói nước Nga ngày 15/8 có những bài viết nhận định rằng nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và kết nối chặt chẽ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế một cách an toàn, có hy vọng giảm bớt sự phụ thuộc vào các nước phát triển và tăng cường sức ảnh hưởng trong bối cảnh khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Mỹ.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 43 (AEM-43) ở Manado, Indonesia, Bộ trưởng Kinh tế 10 nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã điểm lại tiến trình nhất thể hóa kinh tế ASEAN. Tính đến cuối tháng 7/2011, các nước ASEAN đã hoàn thành hơn 70% nội dung Lộ trình Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Để phát huy vai trò lớn hơn trên vũ đài toàn cầu, ASEAN không ngừng thúc đẩy xây dựng nhất thể hóa bằng đối thoại, hội nghị và hành động. Cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á năm 1997-1998 cũng giúp ASEAN tích lũy được kinh nghiệm xử lý khủng hoảng. Năm 2009, tăng trưởng kinh tế của ASEAN giảm 1,6%, nhưng bước sang năm 2010 đã tăng trở lại với mức 7,4%. Việc đối phó thành công với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến các nước ASEAN tràn đầy lòng tin trong việc đối phó với tác động đến từ khủng hoảng nợ công hiện nay của các nước phát triển.

Các nước thành viên ASEAN đã đạt được tiến bộ nổi bật về xóa bỏ hàng rào đầu tư thương mại. Tính đến cuối năm 2010, giữa các nước Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã thực hiện cắt giảm 99,11% thuế quan, giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã cắt giảm thuế quan từ 98,86% xuống dưới 5%.

Thương mại hàng hóa ASEAN đã tăng 32,9%, kim ngạch thương mại tăng đạt trên 2.000 tỷ USD. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp của ASEAN cũng tăng rõ rệt. Năm 2010, vốn đầu tư vào ASEAN đạt 75,8 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2009. Vốn đầu tư trực tiế́p giữa các nước thành viên ASEAN trong năm 2010 đạt mức tăng 131,8%. Vốn đầu tư trực tiếp vào ngành dịch vụ tiếp tục chiếm vị trí chủ đạo, đạt 49,2 tỷ USD, chiếm 65,7% vốn đầu tư trực tiếp vào cả khu vực ASEAN.

Ngoài việc ASEAN và các nước đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và New Zealand thực thi hiệp định thương mại tự do, việc cắt giảm thuế quan và mở rộng thâm nhập thị trường sẽ tạo thêm nguồn động lực tăng trưởng kinh tế nhiều hơn cho các nước thành viên ASEAN. ASEAN có hơn 500 triệu dân, mức tăng kinh tế của các nước thành viên đạt từ 5,7-6,4%, GDP xấp xỉ 1.500 tỷ USD, ASEAN có lý do trở thành động lực thúc đẩy kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và toàn cầu nói chung.

Ông Victor Sumsky, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu ASEAN của Nga nhận định trong bối cảnh có những mối đe dọa vỡ nợ mới và phản ứng của các thị trường chứng khoán toàn cầu trước việc Mỹ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm, tình hình ở Đông Á - đặc biệt là ở các nước ASEAN - có nhiều thuận lợi hơn so với tại Mỹ và châu Âu.

Người ta ngày càng nhắc đến các nước ASEAN và Đông Á như những "ốc đảo ổn định" so với các khu vực khác trên thế giới và đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự phát triển của ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục