Tỷ lệ tranh chấp lao động ở các DN Hàn Quốc cao

Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với Lãnh sự quán Hàn Quốc, sáng 25/2, để tìm biện pháp tối ưu giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp lao động diễn ra trong các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng trên địa bàn thành phố.

Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với Lãnh sự quán Hàn Quốc, sáng 25/2, để tìm biện pháp tối ưu giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp lao động diễn ra trong các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng trên địa bàn thành phố.

Đại diện Sở nêu thực trạng các doanh nghiệp Hàn Quốc thực hiện pháp luật lao động Việt Nam chưa được tốt, ảnh hưởng đến quan hệ lao động trong doanh nghiệp, gây ra các vụ tranh chấp lao động tập thể; chủ doanh nghiệp chưa quan tâm đến cơ chế đối thoại với người lao động, còn có thái độ xem thường công nhân. Khi xảy ra tranh chấp lao động, chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn về nước, hoặc ủy quyền cho người nhà, cho cán bộ công ty không đủ thẩm quyền để giải quyết, gây nên sự chậm trễ kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động Việt Nam.

Các dấu hiệu chủ doanh nghiệp Hàn Quốc lừa đảo chiếm đoạt tài sản người lao động Việt Nam đã được chứng minh và Tòa cũng đã tuyên án nhưng các đối tượng vi phạm không chịu chấp hành, cố tình kéo dài thời gian nộp phạt, thậm chí bỏ trốn về nước.

Phía Lãnh sự quán Hàn Quốc không đưa ra được một giải pháp mạnh mẽ nào và thừa nhận những khó khăn trong việc xử lý các chủ doanh nghiệp người Hàn Quốc vi phạm Luật Lao động Việt Nam đã bỏ trốn về nước, và nếu biết được họ ở đâu thì việc dẫn giải họ sang Việt Nam để giải quyết tranh chấp lao động là điều không thuộc thẩm quyền.

Ông Chang Keun Sop, Phụ trách vấn đề lao động thuộc Lãnh sự quán Hàn Quốc, đưa ra những cam kết sẽ tiếp tục cùng với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết các tranh chấp lao động, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Ông cũng thừa nhận ngày càng nhiều giám đốc của các công ty Hàn Quốc biến mất mà không thanh toán lương hoặc bảo hiểm xã hội cho công nhân, làm mất uy tín của Hàn Quốc. Lãnh sự quán Hàn Quốc đã có công hàm đề nghị với Sở Ngoại Vụ Thành phố Hồ Chí Minh rằng các thủ tục dựa trên Hiệp ước ký kết giữa Hàn Quốc và Việt Nam và vấn đề hỗ trợ Pháp lý lẫn nhau đối với các vấn đề tội phạm nên được xem xét lại nhằm mở rộng đối tượng là các chủ doanh nghiệp vi phạm luật lao động Việt Nam bỏ trốn, để thuận lợi hơn cho việc phát hiện và dẫn độ sang Việt Nam giải quyết ổn thỏa các tranh chấp lao động.

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Hàn Quốc có 567/2.793 doanh nghiệp và có 87 doanh nghiệp Hàn Quốc nợ bảo hiểm xã hội với số nợ 42 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội thành phố đã khởi kiện 4 doanh nghiệp thuộc quốc tịch Hàn Quốc vi phạm luật bảo hiểm xã hội kéo dài gồm Công ty TNHH Giày AnJin, Công ty THHH Lucky, Công ty Vina Haeng Woon Industy, Công ty TNHH Giày da Kwang Nam.

Trong năm 2008, số vụ tranh chấp lao động tập thể ở các doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm 66 vụ trong tổng số 146 vụ tranh chấp lao động xảy ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong tháng 1 và tháng 2/2009, số vụ tranh chấp lao động tập thể liên quan đến doanh nghiệp Hàn Quốc là 9 vụ (chiếm 37,5 % tổng số 24 vụ xảy ra trên địa bàn). Các cuộc tranh chấp lao động tập thể diễn ra liên quan đến vấn đề tăng lương, điều chỉnh thang- bảng lương, bảo hiểm xã hội-bảo hiểm y tế, các chế độ phụ cấp độc hại, ốm đau, đi lại, tăng ca, chất lượng bữa ăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục