Mô hình cai nghiện cộng đồng đạt hiệu quả bất ngờ

Ở Hà Tĩnh, Hồng Lộc vừa là xã “vùng sâu” vừa là ngôi làng biển thuộc loại nghèo bậc nhất bởi cơn “bão” nghiện làm cho tan hoang.
Với những ai lỡ “phải lòng” nàng tiên nâu hay những gia đình đau đớn, tủi thẹn vì có người thân nghiện ma túy thì những mô hình cai nghiện ở Hà Tĩnh như ánh sáng le lói cuối đường hầm. Tỉnh miền Trung này đang “nở rộ” nhiều mô hình cai nghiện cộng đồng đạt hiệu quả bất ngờ.

Mô hình hai… người

Công an thị xã Hồng Lĩnh đưa chúng tôi đến căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Giang, nghiện ma túy hơn chục năm nay, ở thôn Lam Thủy.

Nhờ mô hình “Tình thương và trách nhiệm” và hai người phụ nữ trong mô hình câu lạc bộ “Đồng cảm,” anh đã cai nghiện được và trở về với cuộc sống lương thiện.

Cũng giống anh Giang, ở Hồng Lĩnh còn có 14 người khác cũng được những mô hình cộng đồng này giúp cai nghiện thành công.

Hai người phụ nữ bé nhỏ, nhân hậu trong câu lạc bộ “Đồng cảm” còn làm được điều kỳ diệu khi giúp đỡ, động viên cô con gái đầu của anh Giang thi đỗ Đại học Sư phạm.

Khi chúng tôi đến, người đàn ông 50 tuổi chỉ còn mỗi bộ da bọc xương tái xanh, yếu ớt lặng lẽ cầm con dao, lúi húi xới cỏ cho vườn ngô cỏn con.

Sa vào ma túy, anh đã gần như mất trắng. Năm 1998, anh Giang cùng vợ bị bắt khi vận chuyển ma túy. Ra tù, vợ tự tử, anh càng lún sâu vào khói thuốc của nàng tiên nâu, ba đứa con nhỏ bơ vơ được bà nội đem về cưu mang.

Bước cùng anh vào ngôi nhà trống hoác, chỉ còn trơ trọi tấm phản sứt sẹo vì “bão nghiện”, chúng tôi thấy… lạnh.

Cũng phải thôi, khi một thời gian dài, ngôi nhà này không còn là tổ ấm của một gia đình, không có mùi lửa bếp mà là chốn nương thân cho người đàn ông cô độc, vật vã thèm thuốc.

Mô hình câu lạc bộ “Đồng cảm” nhưng được gọi là "Mô hình 2 người" vì thực tế chỉ có chị Nguyễn Thị Liễu và một người nữa bắt tay nhau chiến đấu đến cùng với người nghiện chống lại “cái chết trắng”.

Chị Liễu tâm sự: “Hơn 30 chị em tham gia rồi rút lui vì khó khăn vất vả. Mình nuôi một đứa con ăn học thành người đã khó huống gì vực dậy người lớn, chả máu mủ gì, đâu dễ từ sai lầm phút chốc thành lương thiện được…"

Chị Liễu, rớm nước mắt kể những ngày đi xin “chi viện” giúp đỡ anh Giang cai nghiện bị dư luận phản đối kịch liệt. Gia đình thì bảo chị “ôm rơm dặm bụng” còn hàng xóm thì dè bỉu “chị rỗi việc, tại sao đi xin cái ăn cho một người nghiện có đủ chân tay. Ai làm thì kẻ ấy chịu, mặc anh ta phải lao động kiếm ăn để thấm thía.”

Chị Liễu nhiều đêm thức thắng, trăn trở không biết tìm công việc gì cho anh Giang làm, vừa nuôi thân lại dứt hẳn ma túy. Nếu mua cho anh một máy cán nước mía thì sợ lũ trẻ làng “sợ” mà không mua, anh sẽ càng mặc cảm. Sắm cho anh một bộ nồi nấu rượu, giữ được chân anh ở nhà nhưng vì là đàn ông sẽ khó mà đảm đương được. Giới thiệu anh đi làm phụ hồ thì lại không an tâm…

Bao nhiêu phương án lướt qua đầu chị, đều rủi nhiều hơn may. Cuối cùng, chị Liễu quyết định hàng tháng lấy của nhà 20kg gạo để nuôi anh Giang trong ba năm tới. Sau 3 năm nữa thôi, con gái của anh học xong Đại học, có việc làm, chị sẽ giao lại cho cháu nuôi cha.

Cụ Hồ Thị Sáu, 82 tuổi, mẹ ruột của anh Giang, mếu máo: “Con bà sống rồi, cai được thuốc rồi, còn có cháu học Đại học nữa. Bà có chự (chút tiền) nào cũng cho nó tẩm bổ thuốc thang. Bà có ơn với chị Liễu và Đồng cảm, mẹ đẻ cũng chỉ sinh được con một lần từ trong dạ. Con chưa cai thì mẹ già nỏ (không) dám chết...”

Cả làng “nổi dậy” chống… bão nghiện

Ở Hà Tĩnh, Hồng Lộc vừa là xã “vùng sâu” vừa là ngôi làng biển vào loại nghèo bậc nhất bởi cơn “bão” nghiện làm cho tan hoang.

Cách huyện lị Lộc Hà 20km, con đường vào ngôi làng biển này ngoằn nghèo, nhấp nhô theo những cồn cát và hàng phi lao thưa thớt, khiến xe chúng tôi nhiều phen bị “ngả nghiêng” vì trầy… cát.

Có đến Hồng Lộc mới biết sự tàn phá của cơn “bão nghiện” khủng khiếp nhường nào. Cả làng gần trăm hộ dân nhưng tìm đỏ mắt mới nhìn thấy một vài mái nhà ngói, được xây trát, quét vôi tinh tươm.

Người dân ở làng biển cho chúng tôi biết, cái nghèo, cằn cỗi đã đẩy những người thanh niên trai tráng dong thuyền ra biển và nghiện ma túy khi nào không hay. Rồi, cũng cái nghèo, cằn cỗi ấy lại đẩy nhiều người lương thiện… nhúng chàm, buôn bán cái chết trắng.

Thế mà, không ai có thể tin được, chỉ trong ít tháng đầu năm 2009, với mô hình “Nhà nhà công khai, người người công khai con nghiện,” Hồng Lộc đã cai nghiện thành công cho 11/14 người nghiện ma túy.

Chúng tôi men theo đường ruộng nhỏ như “cầu khỉ” đến nhà “thầy cúng” Mai Trọng Phượng. Anh nghiện ma túy từ 2003.

Nhìn ngôi nhà xây khang trang, rôm rả tiếng chơi đùa của đám trẻ trước hiên thật không thể tin mới năm ngoái thôi nó còn là “vườn không nhà trống”.

Nhờ mô hình “Công khai con nghiện ra cộng đồng” và “Nhà nhà nói không với ma túy” do xã Hồng Lộc vận động, hơn một năm qua người em trai Mai Trọng Tuấn đã quyết tâm đưa anh mình ra “ánh sáng”, làm lại cuộc đời.

Chị Thảo, vợ anh Phượng nhớ lại những ngày khó khăn: “Ngày đó, chú Tuấn theo chồng tôi 24/24. Những lúc lên cơn, anh bò ra đến cửa, chú cũng bò theo ôm chặt. Chồng tôi quỳ chắp tay lạy xin thuốc, chú nước mắt lã chã cũng lạy anh thương mẹ già mà quyết tâm cai. Hôm nào trời đẹp, chú lấy xe đạp chở anh Phượng đi theo đường làng, cả nhà tưởng đi lấy thuốc, mãi sau mới biết chú chở anh đi dạo cho khuây khỏa, chuyện trò động viên anh. Cũng đã hơn một năm từ chuỗi ngày kinh hoàng ấy…”

Dường như chưa một vùng bị “tâm bão nghiện” đi qua nào mà người dân lại tự giác và đồng khởi vùng dậy chống lại giặc nghiện quyết liệt như Hồng Lộc. Điển hình, bà con nhân dân đã giúp đỡ lực lượng công an vây bắt 4 đối tượng buôn bán ma túy trong chuyên án HL01- 609 do Nguyễn Trong Tiềm, đối tượng tù tha chủ mưu.

Ông Lê Viết Bình, Trưởng công an xã Hồng Lộc kể lại trong lúc vây bắt, 2 tên cầm đầu chống trả, đâm trọng thương một công an rồi tháo chạy. Bà con hô hào dùng ngọn tre, phi lao làm barie, chắn các nẻo đường để “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và bắt gọn.

Ông Bình bùi ngùi nhớ lại những ngày khó khăn vận động bà con dân làng chống lại “giặc” nghiện. Có những gia đình, có người thân nghiện ma túy, ông Bình phải đi mòn ngõ, bị thù hằn, dọa đốt nhà mới đổi được chữ ký ra “công khai” trước cộng đồng. Có đối tượng mất 4, 5 tháng trời mới vận động được đi cai.

Trưởng công an huyện Lộc Hà, Thiếu tá Đặng Hoài Sơn, Trưởng công an huyện Lộc Hà quả quyết: “Chúng tôi kết hợp cai nghiện với mở 7 lớp học ngoại ngữ miễn phí, giúp đỡ hơn 100 người trong độ tuổi lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài. Chặn đứng giặc ma túy từ bên trong, mở cửa việc làm ra phía ngoài, chỉ thế hai gọng kìm này mới khiến cuộc chiến chống cái chết trắng được tận diệt…”

Cách đây ít lâu, có hai gia đình ở Hà Nội và Lạng Sơn đã cai nghiện thành công cho con nhờ mô hình “công khai ra cộng đồng” khi tìm về Hồng Lộc. Vậy là ngôi làng biển một thời là vùng đất “chết”  giờ đang cựa mình, sống dậy thành chốn “đất lành chim đậu”, sau bão… nghiện./.

Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục