Quốc hội cho ý kiến dự thảo luật chống buôn người

Sáng 27/10, Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật phòng, chống mua bán người như phạm vi điều chỉnh, các hành vi mua bán người...
Sáng 27/10, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Luật phòng, chống mua bán người, tập trung vào các nội dung như phạm vi điều chỉnh, hành vi mua bán người và các hành vi liên quan đến mua bán người, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, chế độ hỗ trợ cho nạn nhân...

Đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật phòng, chống mua bán người vì trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp, đa dạng; tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt; nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia. Đáng chú ý là tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nam giới xảy ra ngày càng nhiều tại một số địa phương.

Thêm vào đó, cũng đã xuất hiện một số đường dây đưa người sang nước ngoài bán nội tạng cho các bệnh viện tư, dẫn đến nạn nhân bị tử vong.

Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội còn bất cập, sơ hở để bọn tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý người nước ngoài, quản lý hộ khẩu, quản lý an ninh biên giới, xuất nhập cảnh, hôn nhân và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Công tác điều tra cơ bản nắm tình hình chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Công tác phát hiện các vụ việc có liên quan còn mang tính thụ động, hầu như mới chỉ dựa vào đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình...

Đại biểu Dương Thị Thu Hà (Lào Cai), Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) và nhiều đại biểu nhận định nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, phụ nữ có học vấn thấp, tình trạng bạo lực gia đình, thiếu việc làm, công tác quản lý lao động không chặt chẽ...

Việc giáo dục trong phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội chưa được chú trọng đúng mức, một bộ phận thanh thiếu niên bị cuốn vào đời sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật.

Đại biểu Dương Thị Thu Hà cũng cho rằng công tác quản lý hộ khẩu, nhân khẩu tại chính quyền địa phương chưa tốt cũng là một lý do dẫn đến gia tăng tình trạng buôn bán người, bởi khi xảy ra vụ mất tích người, chính quyền địa phương không biết nếu người nhà không tới báo.

Đại biểu Giàng Vũ Thè (Lào Cai) và một số đại biểu cho rằng hiện tại công tác tuyên truyền pháp luật cho nhân dân về công tác phòng, chống mua bán người còn nhiều hạn chế. Công tác truyền thông chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng mà chỉ mới dừng lại ở một số địa bàn trọng điểm và vào các đợt cao điểm, đôi lúc còn dàn trải, chưa lồng ghép với thực hiện chương trình kinh tế, xã hội ở địa phương, chưa chú ý phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống mua bán người.

Đặc biệt, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn yếu, chất lượng chưa cao, sức lan tỏa và tác động đến các nhóm đối tượng còn thấp.

Đại biểu Giàng Vũ Thè đề nghị trong công tác tuyên truyền cần thể hiện ngắn, gọn cho người dân hiểu, tránh dài dòng, khó hiểu, đặc biệt cần tránh tuyệt đối việc mang văn bản luật ra đọc, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bằng các hình thức như sân khấu hóa...

Điều 31 của dự thảo Luật quy định về 6 loại chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán, đó là hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

Đồng thời, dự thảo Luật xác định từng loại đối tượng được hưởng các chế độ hỗ trợ tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và nhu cầu cần được hỗ trợ của nạn nhân.

Nhiều đại biểu nhất trí với quy định của dự thảo luật và cho rằng việc thực hiện các chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán không những bảo đảm sự cân đối với chế độ hỗ trợ cho các đối tượng khác trong xã hội, mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ để nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng, tránh việc họ tiếp tục trở thành nạn nhân, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người ở nước ta và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, không ít đại biểu bày tỏ băn khoăn trước các quy định về trợ giúp pháp lý, học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu, vay vốn, bởi đối với việc trợ giúp pháp lý thì Luật Trợ giúp pháp lý không quy định nạn nhân bị mua bán trở về là đối tượng của Luật này. Còn việc hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn đối với những nạn nhân thuộc hộ nghèo hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì các chính sách hỗ trợ này đã được quy định ở văn bản pháp luật khác.

Đại biểu Trần Văn Hổ (Hà Nam) và nhiều đại biểu cho rằng các quy định về hỗ trợ nên viết gọn lại cho thống nhất bởi quy định nhiều như vậy là không khả thi, chỉ nên xác định nội dung hỗ trợ nào khắc phục được tình trạng từ khi họ đang là nạn nhân đến khi họ không còn là nạn nhân nữa. Việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, hỗ trợ về y tế, tinh thần là cần thiết nhưng vay vốn, học nghề... khi về đến Trung tâm bảo trợ xã hội sẽ thực hiện.

Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị cần quy định chặt chẽ điều này để tránh việc lạm dụng nạn nhân để hưởng các chế độ chính sách.

Các đại biểu cũng đề nghị bỏ khoản 3, điều 6 dự thảo Luật về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bởi việc quy định “nạn nhân được xem xét để có thể giảm nhẹ hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính đối với một số hành vi vi phạm cụ thể do mình thực hiện như là hậu quả trực tiếp của việc bị mua bán” là không cần thiết, không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật./.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục