Ukraine sẽ tuân thủ hợp đồng khí đốt với Nga

Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, Bogdan Danilishin, cho biết nước này sẽ tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng khí đốt ký với Nga hồi tháng 1 năm nay.
Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, Bogdan Danilishin, ngày 9/9 cho biết nước này sẽ tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng khí đốt ký với Nga hồi tháng 1 năm nay.

Ông Danilishin cho rằng cuộc tranh chấp khí đốt giữa Nga và Ukraine đã chấm dứt sau khi một hợp đồng dài hạn được ký kết giữa Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga và Công ty khí đốt Ukraine Naftogaz.

Hồi đầu tuần này, Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko cũng tuyên bố không cần thiết phải xem xét lại các hợp đồng khí đốt ký với Nga hồi tháng 1 trong bất kỳ trường hợp nào.

Các chuyên gia cho rằng Nga sẽ không buộc Ukraine, vốn đang gặp khó khăn về kinh tế, phải bồi thường những thất thoát khí đốt trong quá trình trung chuyển qua lãnh thổ nước này, bất chấp quan hệ lạnh nhạt giữa hai nước, vì vậy sẽ không xảy ra một cuộc khủng hoảng khí đốt mới vào đầu năm tới.

Trước đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã chỉ thị cho Tổng Giám đốc Gazprom Alexei Miller giữ nguyên hợp đồng đã ký và không thay đổi các điều khoản về trả tiền trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sang các nước Tây Âu.

Trong một diễn biến khác, ngày 9/9, Gazprom đã khánh thành một đường ống dẫn khí đốt mới đi qua Lithuania dài 139 km, có công suất 2,5 tỉ m3/năm nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt cung cấp cho Kaliningrad, một tỉnh của Nga nằm giữa Lithuania và Ba Lan. Đồng thời, đường ống này cũng cho phép Gazprom tăng lượng khí đốt cung cấp cho Lithuania.

Phó Tổng Giám đốc Gazprom Valery Golubev cho biết Gazprom dự kiến ký một hợp đồng dài hạn cung cấp khí đốt cho Lithuania tới năm 2030. Ông cho biết trong năm 2010, Gazprom có thể tăng lượng khí đốt cung cấp cho Lithuania thêm 100 triệu m3, lên 3,4 tỉ m3.

Tháng 12 tới, Lithuania sẽ đóng cửa nhà máy điện hạt nhân thời Liên Xô trước đây. Khi đó khí đốt sẽ trở thành nguồn năng lượng chủ yếu trong nhiều thập kỷ đối với quốc gia này.

Kể từ khi Lithuania không kết nối trực tiếp với hệ thống điện châu Âu, nước này không còn sự lựa chọn nào khác ngoài nhập khẩu thêm năng lượng từ Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục