Chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật về biển, đảo

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề liên quan đến việc ban hành và thực thi pháp luật về biển, hải đảo được tổ chức ngày 9/10.
Ngày 9/10, tại Thái Bình, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo quốc tế "Ban hành và thực thi pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển, đảo-Kinh nghiệm của quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam."

Tham dự hội thảo có các đại biểu, các chuyên gia đến từ nhiều bộ, ngành ở Trung ương, một số tổ chức quốc tế và đại diện các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin các vấn đề liên quan đến việc ban hành và thực thi pháp luật về biển, hải đảo; đặc biệt là pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, điều mà các địa phương có biển và Việt Nam đang rất quan tâm. Vấn đề này càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và chuẩn bị đưa Luật Biển đi vào thực tiễn cuộc sống.

Là một quốc gia ven biển với bờ biển dài trên 3.200km, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2020 sẽ trở thành một đất nước “mạnh về biển, làm giàu từ biển.” Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, xây dựng các cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo..., Việt Nam đã ban hành Chiến lược Biển đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó hướng tới các chính sách và hành động nhằm hiểu hơn về biển, đảo, gìn giữ nguồn vốn tự nhiên, chất lượng môi trường.

Đặc biệt, Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về biển, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia "mạnh về biển, làm giàu từ biển" mà Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra.

[Phát triển hệ thống cảng biển: Cần tầm nhìn dài hạn]

Ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia tại hội thảo đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề về tình hình xây dựng, ban hành và thực thi chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp biển, hải đảo Việt Nam trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến thực trạng và các vấn đề về quản lý tài nguyên môi trường biển, chính sách bảo tồn các vùng biển tại các địa phương ở Việt Nam, vấn đề đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo đến người dân địa phương.

Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia Hàn Quốc, Hoa Kỳ trong việc quản lý tổng hợp các vùng bờ và quan trắc kinh tế-xã hội phục vụ quản lý và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển...

Các đại biểu cho rằng biển và hải đảo Việt Nam phải được quản lý tổng hợp và thống nhất nhằm bảo đảm sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường. Về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường biển bước đầu đã tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho việc tăng cường quản lý nhà nước về biển và hải đảo nói chung và môi trường biển nói riêng; tạo điều kiện cho việc phát triển các ngành kinh tế biển hiệu quả và bền vững; thúc đẩy bảo vệ môi trường và sinh thái biển.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển, đảo còn chưa đầy đủ, chủ yếu phục vụ công tác quản lý nhà nước của từng ngành, lĩnh vực. Chưa thật sự có được một khung pháp lý điều chỉnh mang tính tổng hợp và thống nhất về biển, đảo cũng như còn thiếu các văn bản hướng dẫn các vấn đề nghiệp vụ chuyên sâu để các cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước tổng hợp về biển và hải đảo ở địa phương có thể thực hiện được các nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Hội thảo đã đưa ra những giải pháp trong thời gian tới, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển, hải đảo để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo góp phần quản lý, khai thác hiệu quả cũng như bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững tài nguyên biển, đảo của Việt Nam./.

Thanh Phú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục