Kiệt tác cuối của Vinci

Louvre giới thiệu tác phẩm cuối cùng của Da Vinci

“Saint Anne” là bức họa mà bậc thầy của nghệ thuật Phục hưng Da Vinci chưa kịp hoàn thành khi ông bất ngờ qua đời năm 1519.
Cuối tuần qua, bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng Lourve của Pháp đã giới thiệu kiệt tác cuối cùng của thiên tài Leonardo Da Vinci là bức họa “Saint Anne” sau khi tiến hành phục chế. Bảo tàng hy vọng giới nghệ thuật sẽ lấy làm hài lòng bởi trước đó nhiều chuyên gia đã lo ngại quá trình phục chế sẽ làm hỏng lớp sơn dầu trên bức tranh gốc. Có tên đầy đủ là “The Virgin and Child with Saint Anne" (Đức mẹ đồng trinh, đứa trẻ và Thánh Anne), đây là bức họa mà bậc thầy của nghệ thuật Phục hưng Da Vinci chưa kịp hoàn thành khi ông bất ngờ qua đời năm 1519. Da Vinci đã bắt đầu vẽ bức “Saint Anne” năm 1503, mô tả Chúa Jesus khi còn là một đứa bé đang nắm tay một con cừu bên cạnh mẹ và bà của Ngài. Sau khi Da Vinci qua đời, bức tranh thuộc quyền sở hữu của vua Francis đệ Nhất nước Pháp. Phát biểu về kiệt tác cuối đời của Da Vinci, ông Vincent Delieuvin phụ trách buổi triển lãm chia sẻ: “Bức tranh có một vị trí quan trọng trong lịch sử nghệ thuật và câu truyện đằng sau "Saint Anne" cũng chính là câu truyện về 20 năm cuối đời của Da Vinci.”

Buổi triển lãm còn giới thiệu 130 bức vẽ, tài liệu thao khảm được Da Vinci sử dụng, cũng như các phiên bản đời đầu của bức tranh, những bài viết về đạo Thiên Chúa và cả những tác phẩm về sau này chịu ảnh hưởng của “Saint Anne” của những thiên tài khác như Raphael hay Michelangelo. Delieuvin đã giải thích tại buổi họp báo rằng, ông muốn tạo một buổi triển lãm giống như “một cuộc điều tra của cảnh sát, nơi mà mọi đầu mối đều dẫn đến việc hiểu bức tranh hơn.” Các bức phác thảo cho thấy, Da Vinci đã thử qua nhiều bối cảnh, động tác nhân vật trước khi có được bức “Saint Anne”, trong đó Đức Mẹ có vẻ như đang kéo Chúa Jesus ra khỏi con cừu - tượng trưng cho sự hy sinh mà Ngài sẽ thực hiện - trong khi Thánh Anne lại yêu cầu Mary bỏ đứa bé ra. Buổi triển lãm này là thành quả sau 18 tháng phục chế bức tranh cũng như những tranh cãi ngoài lề. Người tiến hành phục chế bức tranh là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, bà Cinzia Pasquali. Bà nhấn mạnh rằng việc phục chế không hề liên quan tới quan điểm mỹ thuật. Bà trả lời hãng AFP: “Điều này giống như chăm sóc cho một bệnh nhân vậy. Với mục đích bảo vệ bức tranh, chúng tôi buộc phải can thiệp nhằm chỉnh sửa một vết nứt trên bề mặt tranh, mà nếu để lâu dài có thể hủy hoại cả kiệt tác.” Song sau quá trình phục chế, bức “Saint Anne” đã có một số thay đổi so với ban đầu, chủ yếu về màu sắc. Những vết ố do thời gian đã bị tẩy sạch, bức tranh có màu sáng hơn hẳn và để lộ rõ màu xanh dương mềm mại của chiếc khăn Đức Mẹ khoác trên người, cũng như làm nổi bật các vật thể phục dòng nước ở dưới chân các nhân vật. Tuy nhiên, hai chuyên gia nghệ thuật đã rút khỏi Ủy ban cố vấn của bảo tàng Lourve để phản đối quyết định phục chế bức tranh. Dù vậy, một trong hai chuyên gia này là bà Segolene Bergeon Langle sau đó cũng cho biết đã cảm thấy an tâm hơn về một số mặt của quá trình phục chế. Song bà không hài lòng về một số điểm, điển hình như việc xóa bỏ một mảng trắng trên người Chúa Jesus, mà theo bà do chính Da Vinci vẽ thêm vào. Pierre Curie, trưởng khoa Mỹ thuật của viện Phục chế C2RMF cho biết: “Bảo tàng Lourve có một quy chế làm sạch rất kỹ càng. Khi chúng ta buộc phải quay lại với bức tranh này, điều không thể tránh khỏi trong tầm 30 hay 50 năm tới, việc dừng lại ở mức độ phục chế như bây giờ là rất an toàn.”./.
L.Q (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục