Nước mắt Tây Tựu

Làng hoa Tây Tựu: Nhọc công, nhưng mất giá!

Trời nắng bất thường, hoa nở quá sớm khiến người nông dân làng hoa Tây Tựu thất thu, đón Tết trong tình trạng dở khóc, dở cười.
Hì hụi cột chồng cúc chất ngất lên xe máy, anh Đức Hải  - nông dân nơi vựa hoa Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) nghèn nghẹn nói không thành tiếng: “Chỉ mong thu lại phần nào vốn để đủ tiền sắm Tết cho cả nhà chứ tình hình mất giá hoa thế này thì sao mong được lời?”

Làng hoa thành làng… rau

Anh Hải, một trong những hộ trồng nhiều cúc nhất tại xã Tây Tựu kể rằng, năm nay giá hoa cúc tại vườn chỉ khoảng 700 đồng/bông.

“Tầm này một vài năm trước, giá cúc ít cũng phải 1.500 đồng/bông, với tình hình nắng nóng này, không biết mức giá 700 đồng còn giữ được bao lâu,” anh Hải rầu rĩ.

Theo giải thích của anh Hải, thời tiết giáp Tết năm nay bất thường, trời nắng sớm và kéo dài khiến hoa “bung” trước Tết hơn 2 tuần. Được mùa sớm nhưng chính vì thế nên giá hoa năm nay rớt không phanh.

Nhớ lại năm ngoái, nhà anh Hải cũng được một phen khốn đốn vì trời mưa liên miên. Gia đình anh may ở chỗ cao nên còn vớt vát lại ít cúc. Cả nhà vì thế cũng kéo lại được ít vốn sắm Tết. Năm nay, anh quyết đem hết vốn liếng mấy chục triệu đầu tư cả vào mấy sào cúc mong gỡ gạc.

“Ai ngờ trời lại hành mình thêm bận nữa. Mấy hôm nay cả nhà ra sức gom cúc bán nhưng giỏi lắm được vài trăm nghìn. Tết đến nơi rồi, không hiểu cả nhà sắm sửa được gì nếu cứ thế này,” ngó lơ ra đồng, anh Hải nói trong tiếng thở dài.

Đau xót hơn, nhiều hộ dân trong xã thấy cúc mất giá thảm hại nên đã phải dứt lòng nhổ cúc đi trồng rau.

Gặp anh Thìn khi đang lầm lũi xới đất giữa cái nắng gay gắt buổi trưa, anh kể, một vụ trồng cúc tính trung bình khoảng 3 tháng 15 ngày. Mất công mất sức là vậy nhưng năm nay giá hoa không đủ bù chi phí phân bón, thuốc trừ sâu.

“Đau lòng lắm nhưng vẫn phải tự tay nhổ bỏ 2 sào Cúc để thay vào trồng rau, với mức giá hiện tại thì 1 sào cúc chỉ bán được hơn 1 triệu là giỏi, trồng rau may ra còn được 4-5 triệu,” anh Thìn cười nhăn nhó.

Anh Thìn cũng thổ lộ, trong làng cũng có một số nhà đang cố gắng gỡ vốn bằng cách chuyển sang trồng rau như gia đình anh.

“Trồng rau vụ này thì phải chấp nhận sau Tết mới thu hoạch được. Tuy nhiên, vậy còn gỡ lại được phần nào,” anh thật thà tâm sự.

Giá hoa hồng bằng 1/10 năm ngoái

Xã Tây Tựu với tổng diện tích đất canh tác vào khoảng 385 ha thì hơn một nửa trong số đó dành cho hoa hồng.

Khác với cúc chỉ trồng 1 vụ rồi phải thay cây, hoa hồng có thể trồng trong 10 năm và thu hoạch quanh năm. Bởi thế, trong khi nhiều hộ trồng cúc có thể dứt lòng nhổ cúc trồng rau thì những người nông dân đã lỡ “ôm” hồng đành cắn răng nhẫn nhịn cho qua cơn “bĩ cực”.

Giải thích về tình trạng này, anh Lê Văn Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tây Tựu, cho rằng năm nay nhiệt độ miền Bắc khá bất thường, trời nắng sớm khiến hoa nở sớm, giá hoa ngày càng đi xuống.

“Hoa nở lỡ dịp khiến bà con thất thu nặng. Tận mắt chứng kiến tình cảnh này chúng tôi cũng không khỏi đau lòng,” anh Việt chia sẻ.

Theo chị Nhất, một trong những hộ trồng hồng trong làng, giá hồng hiện chỉ khoảng 1.000 đồng/bông, so với năm trước, thời gian này giá hồng đã vào khoảng 2.000-3.000 đồng. Thậm chí, một vài ngày cận Tết, giá hồng còn có thể vọt lên 10.000 đồng/bông, tức là gấp 10 lần hiện nay.

Hai vợ chồng chị Nhất trước Tết đã đặt chỗ tại chợ hoa Quảng Bá, để thuê một góc nho nhỏ tại đây, chị phải bỏ ra tới 4 triệu đồng. Đó là chưa kể tới tiền thuê người giúp chị thu hoạch mấy sào hoa. Ngồi nhẩm tính, chị bảo, tính hết nước hết cái vẫn chưa thấy dư dả đồng nào nhưng “sống chết” thế nào chị cũng phải bám trụ nơi lề đường Quảng Bá để gỡ lại ít vốn.

Theo quan sát của chúng tôi, tất cả diện tích hồng tại đây đều phải “buộc” nụ nhằm hạn chế hồng nở bung quá sớm. Tuy thế, đó chỉ là biện pháp tình thế, bởi chị Nhất cho rằng, thời tiết nóng nực thế này thì hoa sẽ nở rất nhanh và hồng xuống giá là điều không tránh khỏi.

Đứng lặng thinh giữa khóm hồng cao ngang hông, để mặc gió thổi tung những lọn tóc đẫm mồ hôi, chị Nhất chợt suy tư: “Tết với mình cũng không khác ngày thường là bao nhưng… còn 2 đứa nhỏ ở nhà, chúng luôn miệng đòi mẹ sắm cho quần áo mới, biết làm sao !…” chị bỏ lửng câu nói khi mắt đã nhòa đi.

Nhìn chị, chúng tôi bỗng tự hỏi, Tết liệu có đến với những người nông dân chân lấm tay bùn kia, khi mồ hôi, nước mắt họ đã đổ quá nhiều./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục