Kéo dài sự sống của bệnh nhân bị bạch cầu

Các nhà khoa học thuộc Viện ung thư Dana Farber ở Boston (Mỹ) vừa xác nhận việc cấy ghép tế bào mầm từ tủy xương sẽ làm tăng cơ hội sống sót của những bệnh nhân bị bệnh bạch cầu hạt cấp (AML), một trong những dạng phổ biến nhất của bệnh bạch cầu.

Các nhà khoa học thuộc Viện ung thư Dana Farber ở Boston (Mỹ) vừa xác nhận việc cấy ghép tế bào mầm từ tủy xương sẽ làm tăng cơ hội sống sót của những bệnh nhân bị bệnh bạch cầu hạt cấp (AML), một trong những dạng phổ biến nhất của bệnh bạch cầu.

Nhà khoa học John Koreth, tác giả công trình nghiên cứu, cho biết thông thường điều trị AML bằng liệu pháp hóa trị có thể đem lại hiệu quả lúc ban đầu, với tỷ lệ thành công là 70% đối với các bệnh nhân dưới 60 tuổi.

Tuy nhiên, không phải tế bào ung thư bạch cầu nào cũng bị tiêu diệt và chúng có thể tái phát do máu và tủy xương chưa khôi phục như bình thường. Để điều trị hiệu quả hơn, các bác sĩ có thể tăng cường liệu pháp hóa trị hay trị xạ, kết hợp với ghép tế bào mầm từ tủy xương của chính bệnh nhân hoặc ghép tế bào mầm từ tủy xương một người hiến tặng, hay còn gọi là "dị ghép".

Tiến sĩ Koreth và các đồng nghiệp cho rằng phương pháp này giúp nâng cao tỉ lệ sống của bệnh nhân mắc căn bệnh trên. Với phương pháp "dị ghép", cơ hội sống thêm 5 năm của bệnh nhân sẽ tăng lên 33%, thậm chí lên tới 40%.

Sau khi phân tích các thử nghiệm lâm sàng đối với hơn 6.000 bệnh nhân, tiến sĩ Koreth cho biết phương pháp trên có thể gây các biến chứng nguy hiểm, song có thể làm giảm nguy cơ tái phát bệnh AML.

Để giảm rủi ro cho bệnh nhân, các nhà nghiên cứu cho rằng cần tìm người hiến tặng phù hợp và sự phối chọn phù hợp nhất về gen sẽ làm giảm biến chứng tới mức thấp nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục