Dư âm Liên hoan kịch: Trung hiếu với Thăng Long

Tối 22/8/2010, vở cải lương “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” sẽ xứng danh để kết lại một Liên hoan sân khấu mừng Đại lễ.
Vở cải lương “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” của tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai sẽ đến với khán giả Hà Nội tại Nhà hát Hồng Hà tối 22/8 trong khuôn khổ Liên hoan sân khấu các vở diễn lịch sử chào mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Đây là ngày cuối của liên hoan nên vở diễn này được xem là có sức tạo dư âm với khán giả Hà Thành.

Được dàn dựng cách đây gần một năm, vở cải lương “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” đã gây được thiện cảm khá mạnh với khán giả mê nghệ thuật cải lương. Lần này, với những điểm nâng lên về nghệ thuật biểu diễn cũng như bổ sung thêm về phục trang, cảnh trí sân khấu, vở diễn “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” sẽ xứng danh để kết lại một Liên hoan nghệ thuật mừng Đại lễ 1000 năm.

Theo ông Bùi Xuân Tiến, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, đây là một vở diễn về đề tài lịch sử được đánh giá cao và nhận được sự hưởng ứng của khán giả. Vở diễn kể lại câu chuyện về cuộc đời vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.

Đạo diễn Hoàng Huỳnh Mai là người đam mê lịch sử, rất ngưỡng mộ Lý Thường Kiệt, một vị tướng anh dũng, phi thường, nên đã nhen nhóm trong chị khát vọng thực hiện vở diễn về danh tướng Lý Thường Kiệt. Chị tâm sự, chị rất ấn tượng về câu nói của Lý Thường Kiệt khi đối đáp với người con gái nuôi của Thuần Khanh: "Ông là dũng tướng uy danh ai ai cũng biết," ông đã đáp lại: "Đúng. Ta là dũng tướng uy danh ai ai cũng biết. Nhưng có một điều nhiều người không biết, ta cũng mồ côi và rất cô đơn."

Với lối dàn dựng công phu và sự góp mặt của các diễn viên trẻ nhưng đã tạo dựng được tên tuổi như nghệ sĩ Mạnh Hùng (người từng đoạt giải nhì cuộc thi tài năng trẻ sân khấu toàn quốc) vào vai Lý Thường Kiệt. Mạnh Hùng từng thể hiện thành công nhân vật sư tổ Huyền Quang trong vở “Cung phi Điểm Bích”, Lão Đồ trong “Bến nước Ngũ bồ.” Vai Thuần Khanh do Thu Trang (giải nhất cuộc thi tài năng trẻ sân khấu toàn quốc) đảm nhận.

Vở “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” đã thành công trong việc xây dựng hình tượng vị tướng Lý Thường Kiệt không chỉ có những chiến công hiển hách đánh giặc ngoại xâm mà đằng sau đó còn là một con người đời thường. Sự hy sinh, lòng trung hiếu, trọn đời vì giang sơn và tình yêu Thăng Long của Lý Thường Kiệt chính là điều còn đọng trong lòng người xem./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục