ADB hỗ trợ các nước đối phó với cúm A/H1N1

Ngày 12/6, phát biểu tại một hội nghị ở Tokyo (Nhật Bản), Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda khẳng định đại dịch cúm A (H1N1) chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế châu Á, hiện mới chỉ có tác động nhất định đến ngành du lịch.

Ngày 12/6, phát biểu tại một hội nghị ở Tokyo (Nhật Bản), Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda khẳng định đại dịch cúm A (H1N1) chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế châu Á, hiện mới chỉ có tác động nhất định đến ngành du lịch.
 
Tuy nhiên, ADB sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các quốc gia trong khu vực để đối phó với đại dịch này.
 
Ông Kuroda nhấn mạnh từ khi dịch cúm gia cầm bùng phát, ADB đã hỗ trợ hàng trăm triệu USD cho các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ ngay lập tức khi cần thiết.
 
Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch cúm A (H1N1) trở thành đại dịch toàn cầu, ngày 12/6, Bộ Ngoại giao Malaysia đã khuyến cáo công dân nước này phải có những biện pháp phòng ngừa, thậm chí có thể hoãn các chuyến đi ra nước ngoài, đặc biệt là tới những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch cúm này.
 
Bộ Y tế Malaysia cũng đã thông qua các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus cúm A (H1N1), trong đó có việc đo thân nhiệt của mọi hành khách tại các cửa khẩu và tiến hành chiến dịch tuyên truyền rộng rãi. Bộ này còn khuyên công dân Malaysia đang học tập và làm việc ở các nước có dịch hoãn về nước thăm gia đình, nếu họ có triệu chứng nhiễm bệnh.
 
Hai nước hiện có số trường hợp nhiễm dịch cúm A (H1N1) nhiều nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Australia (1.307 trường hợp) và Nhật Bản (549 trường hợp).
 
Trong khi đó, Bộ Y tế Marocco ngày 12/6 thông báo nước này đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm cúm A (H1N1) ở một nữ thanh niên vừa trở về từ Canada. Như vậy, dịch bệnh nguy hiểm này đã "gõ cửa" nước thứ hai ở châu Phi, sau Ai Cập (hiện có 15 ca nhiễm bệnh).
 
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch cúm trên thế giới vẫn là Mexico, với 6.294 trường hợp nhiễm bệnh và 109 ca tử vong, tiếp đến là Mỹ (13.217 ca mắc bệnh và 27 ca tử vong).
 
Anh là nước ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh nhất châu Âu, với 909 ca. Giới chức nước này cũng vừa đưa ra cảnh báo hàng triệu người Anh có thể là nạn nhân của virus chết người này và hàng nghìn trường học có thể bị đóng cửa.
 
Theo số liệu công bố cuối ngày 12/6 của WHO, dịch cúm A (H1N1) đã lây lan tới 75 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với gần 30.000 ca nhiễm bệnh và 145 ca tử vong kể từ khi loại virus chết người này lần đầu tiên được phát hiện ở Mexico vào tháng tư vừa qua./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục