"Xử lý triệt để tham nhũng, bất kể người đó là ai"

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, người có hành vi tham nhũng phải bị xử lý nghiêm minh bất kể người đó là ai và ở cương vị nào.
Chiều 28/1, tại Hà Nội, Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng năm 2009, nhìn lại 3 năm 2007-2009 và triển khai công tác năm 2010 do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức đã hoàn thành chương trình đề ra sau một ngày làm việc khẩn trương.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, các ý kiến thảo luận bày tỏ cơ bản thống nhất với các dự thảo báo cáo về đánh giá tình hình, kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2010; đồng thời phát biểu làm rõ, bổ sung thêm những nhận định, đánh giá, đề xuất các giải pháp và kiến nghị.

Hội nghị thống nhất đánh giá, nhìn chung, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí", Luật phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng có chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên cả hai mặt phòng và chống.

Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã có bước được kiềm chế và có xu hướng giảm. So với nhiều năm trở lại đây, công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự chuyển biến tích cực.

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang chỉ rõ, tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá nghiêm túc và thẳng thắn, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém, kết quả chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, là vấn đề xã hội rất quan tâm, bức xúc hiện nay.

Năng lực và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng và của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; công tác đấu tranh phê bình và tự phê bình chưa thường xuyên, chưa đủ mạnh ngay trong nội bộ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị để tự phát hiện tham nhũng.

Trách nhiệm người đứng đầu ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thể hiện tương xứng với yêu cầu đòi hỏi của công tác phòng, chống tham nhũng; nhận thức, ý thức còn hạn chế, còn thiếu chủ động trong triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Hệ thống cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở hoặc không phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Một số giải pháp cần thiết cho công tác đấu tranh chống tham nhũng còn thiếu và chưa đồng bộ. Hoạt động của một số ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng và đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng còn hạn chế.

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2010, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang nhấn mạnh, năm 2010 là năm đất nước có nhiều sự kiện trọng đại, năm tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Cùng với những tiền đề và thời cơ, thuận lợi từ những thành quả đạt được, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2010 phải phấn đấu đạt được mục tiêu "Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí..." đúng như Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đã xác định, tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực còn yếu kém, góp phần thiết thực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đề nghị cần tập trung chỉ đạo, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng. Lựa chọn các chủ đề cần tập trung tuyên truyền trong từng giai đoạn với các hình thức đa dạng, hiệu quả, tránh hình thức. Hướng trọng tâm công tác tuyên truyền vào việc nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng; nêu những kinh nghiệm, những cách làm hay, những gương điển hình tốt về phòng, chống tham nhũng.

Những cơ chế, chính sách nào có thể ngăn ngừa tham nhũng nhưng chưa có sự thống nhất cao thì xin phép để chỉ đạo thí điểm. Những quy định của Đảng và Nhà nước đã phù hợp nhưng do tổ chức, điều hành yếu kém, cần phải kiên quyết thay người phụ trách, điều hành. Khuyến khích người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương mạnh dạn vận dụng sáng tạo các quy định về phòng, chống tham nhũng nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn, lĩnh vực được phân công quản lý.

Công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng cần được tăng cường và nâng cao hiệu quả. Cùng với các biện pháp nghiệp vụ của các cơ quan chức năng, cần phải hết sức coi trọng việc dựa vào nhân dân; phải có các quy định cụ thể, bảo đảm an toàn cho người tố cáo tham nhũng; khen thưởng, biểu dương, vinh danh kịp thời những nhân tố dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng.

Công tác xử lý các vụ án tham nhũng phải bảo đảm các quy định của pháp luật. Người có hành vi tham nhũng phải bị xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh "bất kể người đó là ai và đang ở cương vị nào", góp phần phòng ngừa tham nhũng.

Các cơ quan có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục phối hợp đồng bộ trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tập trung xử lý dứt điểm các vụ án tồn đọng và mới phát hiện; quy rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để phục vụ công tác nhân sự đại hội đảng các cấp; đồng thời xử lý nghiêm và ngăn chặn kịp thời các trường hợp lợi dụng tố cáo, tố giác tham nhũng để vu cáo, gây rối nội bộ.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng; vai trò của các cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng là một trọng tâm công tác lớn trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền; kiểm điểm việc thực hiện theo định kỳ, gắn với kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp; là một trong các nội dung cần được quan tâm trong đại hội đảng bộ các cấp.

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp trong phòng, chống tham nhũng cần được tăng cường. Trong chương trình làm việc hằng năm, cần có chương trình, kế hoạch giám sát trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, đi vào các lĩnh vực thường xảy ra tham nhũng; cần có kế hoạch giám sát việc thực hiện của các cơ quan chức năng những kiến nghị của mình, nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể./.


Hương Thủy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục