Quy định về điều kiện, thủ tục công nhận sáng kiến

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2012/NĐ-CP về Điều lệ sáng kiến, quy định chi tiết về điều kiện, thủ tục công nhận sáng kiến.
Ngày 2/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2012/NĐ-CP về Điều lệ Sáng kiến.

Nghị định gồm 4 Chương với 16 Điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Điều lệ sáng kiến. Điều lệ sáng kiến đã quy định chi tiết về điều kiện, thủ tục công nhận sáng kiến, quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư tạo ra sáng kiến, tác giả sáng kiến và người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu, các biện pháp thúc đẩy hoạt động sáng kiến và quản lý nhà nước về hoạt động sáng kiến. Điều lệ được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động sáng kiến tại Việt Nam .

Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp), được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Có tính mới trong phạm vi cơ sở đó; đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực; không thuộc đối tượng bị loại trừ.

Trong Nghị định này cũng nêu rõ các đối tượng sau đây không được công nhận là sáng kiến: Giải pháp mà việc công bố, áp dụng giải pháp trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội; giải pháp là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến.

Về công nhận sáng kiến, Nghị định nêu rõ tác giả sáng kiến có thể yêu cầu công nhận sáng kiến tại các cơ sở là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến; tại cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, với điều kiện chủ đầu tư tạo ra sáng kiến từ chối công nhận sáng kiến và không có thỏa thuận khác với tác giả sáng kiến; tại cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, trong trường hợp tác giả sáng kiến đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến. Đối với giải pháp đã được áp dụng, thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến là năm kể từ ngày sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu.

Nghị định cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư tạo ra sáng kiến, tác giả sáng kiến và người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu; các giải pháp thúc đẩy hoạt động sáng kiến. Trong đó, trường hợp đối tượng là sáng kiến đã được công nhận, sau đó được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì từ thời điểm quyền sở hữu trí tuệ được xác lập, các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ được áp dụng đối với đối tượng đó, thay thế các quy định về sáng kiến.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/4/2012, thay thế các quy định về sáng kiến của Điều lệ sáng kiến, cải tiến kỹ thuật-hợp lý hóa sản xuất và sáng chế ban hành kèm theo Nghị định số 31- CP ngày 23/1/1981, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 84-HĐBT ngày 20/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục