Xung đột tôn giáo trước bầu tổng thống tại Yemen

Chưa đến hai tuần nữa Yemen sẽ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên song xung đột giữa các giáo phái đã bùng phát dữ dội.
Mặc dù chỉ còn chưa đến hai tuần nữa Yemen sẽ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên sau khi nhà lãnh đạo lâu năm Ali Abdullah Saleh từ bỏ quyền lực, song xung đột giữa các giáo phái đã bùng phát dữ dội tại tỉnh hẻo lánh Hajja ở miền Bắc Yemen.

Xung đột ngày 7/2 giữa nhóm vũ trang của người Hồi giáo dòng Shiite và nhóm vũ trang của người Hồi giáo dòng Sunni đã làm ít nhất 30 người thiệt mạng.

Theo nguồn tin an ninh địa phương, giao tranh đã bùng phát ở các huyện Kishir, Washa và Mashanna, sau đó lan rộng ra Mastaba. Vũ khí hạng nặng đã được cả hai bên sử dụng. Ngoài 20 tay súng dòng Shiite và ít nhất 10 tay súng dòng Sunni thiệt mạng, giao tranh cũng làm hàng chục người mỗi bên bị thương nặng.

Xung đột tôn giáo tại khu vực này bắt đầu từ bốn tháng trước, khi những người Hồi giáo dòng Shiite bao vây một thị trấn nhỏ của người Hồi giáo dòng Sunni tại tỉnh Saada. Sau đó, xung đột lan rộng sang tỉnh Hajja và nhiều ngôi làng ở tỉnh Amran, chỉ cách thủ đô Sanaa 50km về phía Bắc. Dân tại nhiều ngôi làng trong khu vực đã buộc phải sơ tán. Nhiều cuộc thương thuyết ngừng bắn giữa hai nhóm vũ trang này do các thủ lĩnh bộ lạc làm trung gian đã thất bại.

Trong một diễn biến khác, ngày 7/2, Phó Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi, người đang nắm quyền điều hành đất nước, đã bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống dự kiến diễn ra ngày 21/2 tới. Phát biểu trước những người ủng hộ, ông Hadi cho rằng cuộc bầu cử tổng thống tới đây sẽ là "bước đi đầu tiên hướng tới một tương lai được bảo đảm" và là "cách tốt nhất để Yemen thoát khỏi cuộc khủng hoảng có khả năng dẫn tới một cuộc nội chiến."

Tuyên bố có khả năng để vượt qua những khó khăn trước mắt, ông Hadi cũng kêu gọi các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế giúp đỡ Yemen chấm dứt khủng hoảng chính trị hiện nay.

Phó Tổng thống Hadi là ứng cử viên duy nhất vào vị trí Tổng thống Yemen trong cuộc bầu cử ngày 21/2. Ông được sự ủng hộ của hai thế lực chính trị lớn nhất là đảng Đại hội nhân dân toàn quốc Yemen (GPC) và Hội đồng Dân tộc Yemen.

Ngày 23/11/2011, tại Arập Xêút, ông Saleh và đại diện lực lượng đối lập ở Yemen đã ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này dưới sự bảo trợ của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Theo thỏa thuận, ông Saleh sẽ được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. Phó Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi được trao quyền điều hành đất nước và tổ chức bầu cử sớm vào tháng 2/2012./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục