Thách thức của OECD

Bốn thách thức đối với OECD tới năm 2040

Từ nay đến 2040, OECD đối mặt với 4 thách thức lớn, trong đó có sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc, Ấn Độ, cùng sự lão hóa dân số.
Nhận định về tình hình thế giới từ nay tới năm 2040, ông Robert W. Fogel, chuyên gia kinh tế thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Mỹ, người đã từng đoạt giải Nobel về kinh tế, cho rằng các nước thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ phải đối mặt với 4 thách thức lớn.

Bốn thách thức này là sự vươn lên chiếm lĩnh thị trường toàn cầu của Trung Quốc và Ấn Độ; những thay đổi trong phương thức tiêu dùng sẽ tác động lên cơ cấu kinh tế mỗi nước; sự gia tăng tuổi thọ của người dân khu vực OECD theo tốc độ cứ 10 năm lại tăng 2 tuổi; xu hướng lão hóa dân số trong khu vực này.

Dựa trên những dự đoán của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Tạp chí Kinh tế Mỹ, ông Fogel cho rằng đến năm 2040, tăng trưởng của thị trường châu Âu sẽ tăng 60% so với năm 2000; nhưng lúc đó, thị trường Mỹ sẽ tăng 300%, thị trường Ấn Độ tăng lên đến 1.400% và Trung Quốc sẽ là 2.400%. Như vậy mức tăng trưởng của Trung Quốc sẽ lớn hơn toàn bộ các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ gộp lại. Mức thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi mức thu nhập của người dân châu Âu hiện nay.

Ông Fogel cho rằng việc chuyển lao động nông nghiệp trẻ sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc. Thêm vào đó, những nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng nhân công lao động bằng giáo dục sẽ góp phần mang lại 6 điểm cho tăng trưởng của nước này mỗi năm.

Trong khi đó, tuổi thọ trung bình ở các nước thuộc khối OECD sẽ tăng nhanh hơn dự kiến do điều kiện sống được cải thiện hơn nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Việc giảm các chứng bệnh mãn tính ở tuổi già cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến tuổi thọ tăng cao. Nếu so sánh với tuổi thọ trong những năm 1840, sẽ thấy tuổi thọ của nữ giới mỗi thập kỷ tăng 2,4 năm, trong khi của nam giới là 2,2 năm. Theo các chuyên gia nhân chủng học, tốc độ này sẽ được duy trì, thậm trí còn tăng hơn trong những thập kỷ tới.

Y tế sẽ là một trong những lĩnh vực tăng trưởng mạnh của OECD trong thế kỷ này. Dân số sẽ già đi và gánh nặng về chi phí y tế sẽ tăng lên do tuổi cao sức yếu. Do mức sống tăng, người dân chấp nhận chi những khoản tiền lớn cho việc giữ gìn sức khỏe.

Những ưu tiên trong chi tiêu cho giáo dục, y tế và giải trí sẽ chiếm một phần khá lớn trong GDP của các quốc gia. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, khoản tiền chi cho những lĩnh vực này sẽ tăng từ 16% GDP hiện nay lên đến 29% vào năm 2040. Điều này đồng nghĩa với việc chi tiêu cho các loại hàng hóa dịch vụ khác giảm đi, kéo theo việc giảm năng suất sản xuất của các loại hàng hóa dịch vụ này, trong khi việc sản xuất các mặt hàng liên quan đến giáo dục, y tế và giải trí sẽ tăng mạnh.

Theo dự kiến, vào năm 2040, khoảng 1/3 dân số của các nước thành viên OECD sẽ ở độ tuổi trên 65. Đây sẽ là gánh nặng cho dân số ở độ tuổi lao động. Họ sẽ phải đóng thuế nhiều hơn để nuôi cha mẹ, ông bà ...; nhưng nếu kéo dài độ tuổi lao động sẽ hạn chế tốc độ sáng tạo, cản trở những người trẻ hơn có khả năng thay thế vị trí của những người lớn tuổi./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục