Thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm

Những thông tin tích cực về tình hình thế giới đã giúp thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm sau 5 phiên mất điểm liên tiếp.
Chứng khoán châu Á nhận được động lực trong phiên giao dịch ngày 14/2 sau 5 phiên mất điểm liên tiếp, khi sự kiện Tổng thống Ai Cập từ chức đã làm dịu bớt những lo ngại về sự bất ổn chính trị ở thế giới Arập.

Bên cạnh đó, thị trường còn được hỗ trợ bởi những số liệu công bố trong tuần này được dự đoán sẽ cho thấy kinh tế Mỹ vẫn đang trên đà phục hồi, còn lạm phát ở Trung Quốc có thể thấp hơn dự đoán.

Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản tăng 119,89 điểm, hay 1,13%, lên 10.725,54 điểm, khi không bị tác động bởi việc Chính phủ Nhật Bản thừa nhận Trung Quốc đã vượt nước này để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2010, trong khi GDP quý 4/2010 chỉ giảm 1,1%, thấp hơn so với dự đoán.

Chỉ số Hang Seng của Hongkong tăng 292,14 điểm, hay 1,28%, lên 23.121,06 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 71,81 điểm, hay 2,54%, lên 2.899,13 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 54,9 điểm, hay 1,12%, lên 4.935,8 điểm, mức đóng cửa cao nhất trong 10 tháng. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 37,4 điểm, hay 1,89%, lên 2.014,59 điểm. Chỉ số weighted của Đài Loan tăng 75,61 điểm, hay 0,88%, lên 8.685,47 điểm.

Các thị trường châu Á đã có thể thở phào khi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức sau cuộc biểu tình kéo dài 18 ngày của người dân nhằm gây sức ép yêu cầu ông từ bỏ quyền lực.

Các nhà đầu tư đã lo ngại cuộc biểu tình ở nước này có thể lan sang các nước khác như Arập Xêút, một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Trong khi sự kiện tại Ai Cập đã giúp các nhà đầu tư lấy lại niềm tin, họ vẫn giao dịch thận trọng trước khi số liệu về lạm phát tại Trung Quốc trong tháng 1/2011 được công bố vào ngày 15/2. Tỷ lệ lạm phát ở nước này trong tháng 12/2010 là 4,6%, so với mức cao kỷ lục trong 20 tháng là 5,1% vào tháng trước.

Các nhà phân tích ở DBS Bank Ltd. tại Singapore dự đoán chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 1 vừa qua sẽ tăng 5,5%, chủ yếu do giá lương thực tăng và Bắc Kinh có thể sẽ tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, sau khi đã tăng ba lần kể từ tháng 10/2010.

Trong khi đó, các nhà giao dịch nhận định con số sẽ chỉ là 4,9%. Giá hàng hóa ở Trung Quốc tăng do nhu cầu lương thực tăng mạnh trong dịp Tết âm lịch và nguồn cung giảm dưới tác động của hạn hán kéo dài trong nhiều tháng ở một số tỉnh.

Các nhà kinh tế nhận định niềm tin tiêu dùng tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, khi có thêm nhiều người tìm được việc làm và các khoản tài chính dành cho tiêu dùng được cải thiện. Số liệu mới về chi tiêu tiêu dùng sẽ được đưa ra vào ngày 15/2, khi Bộ Thương mại công bố số liệu về doanh số bán lẻ tháng 1/2011.

Trong tuần này, Mỹ cũng sẽ công bố số liệu về thị trường nhà ở và sản lượng công nghiệp. Các nhà kinh tế cho rằng các số liệu này sẽ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục phục hồi, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp.

Tuần trước, chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản giảm 2,65%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 8/2010. Các nhà đầu tư đã rút khoảng ba tỷ USD từ các quỹ chứng khoán ở các thị trường mới nổi trong tuần kết thúc ngày 9/2, đánh dầu tuần thứ ba liên tiếp dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường này và là ba tuần tồi tệ nhất trong ba năm.

Nhật Bản vẫn là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư trong năm nay, khi các nhà đầu tư nước ngoài đã mua 12,2 tỷ USD cổ phiếu tại thị trường Nhật Bản, trong khi bán 210 triệu USD trái phiếu ở các thị trường châu Á, trừ Nhật Bản./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục