Mỹ tài trợ 500.000 USD nghiên cứu điều trị ung thư

Cục Ngân khố Mỹ sẽ tài trợ gần 500.000 USD cho 2 dự án nghiên cứu sản xuất chế phẩm chống ung thư của Probactive Biotech Inc với VN.
Cục Ngân khố của Mỹ vừa thông báo chấp thuận tài trợ gần 500.000 USD cho hai dự án của Công ty Probactive Biotech Inc tại bang California hợp tác nghiên cứu với Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và một số công ty tại Việt Nam để sản xuất chế phẩm chống ung thư.

Theo Công ty Probactive Biotech, dự án thứ nhất được thực hiện bởi một nhà máy của Probactive cùng mở với Công ty Danapha ở thành phố Đà Nẵng nghiên cứu ra loại thuốc trị ung thư dùng công nghệ Nanosome.

Công nghệ này tạo ra khối bao bọc liposome bao lấy thuốc trị ung thư để đưa vào khối ung thư. Khi thuốc gặp các tế bào ung thư, liposome mới nhả thuốc ra để tiêu diệt tế bào ác tính này, như vậy sẽ không bị giết chết các tế bào tốt khác. Bước đầu, dự án được thử nghiệm trên chuột tại Học viện Quân y tại Hà Nội, bước tiếp theo sẽ thử trên bệnh nhân tại Viện Bạch Mai.

Dự án thứ hai là chế thuốc sử dụng kháng nhân kháng thể được đánh dấu bởi chất phóng xạ để đưa thuốc thẳng vào khối ung thư và nó chỉ tác dụng trên khối ung thư mà không ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.

Số tiền tài trợ cho các dự án nằm trong chương trình hàng năm của Chính phủ Mỹ dành cho các dự án có thể mang lại kết quả cao của các công ty dược phẩm.

Tháng Sáu năm nay, Công ty Probactive Biotech đã ký với Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt một thỏa thuận hợp tác nghiên cứu sản xuất một số loại thuốc chống ung thư mới kết hợp các kháng thể chống khối u và hợp chất phóng xạ chống khối u.

Y học hạt nhân được chia làm hai lĩnh vực chính là chẩn đoán và điều trị. Trong khi lĩnh vực chẩn đoán đã khá phát triển, việc ứng dụng công nghệ hạt nhân trong điều trị vẫn còn khá non trẻ./.

Đỗ Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục