Xúc tiến đầu tư tại nước ngoài - một nghề khó

Việc DN tổ chức xúc tiến đầu tư ở nước ngoài không mới song giới doanh nhân Hàn đánh giá việc chuẩn bị cho hội nghị chuyên nghiệp hơn.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung đang gánh chịu hậu quả nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới, việc mở rộng đầu tư, đặc biệt là đầu tư ra nước ngoài cũng sụt giảm mạnh.

Điều này khiến không chỉ Việt Nam mà cả nhiều nước trên thế giới rơi vào tình trạng thiếu vốn để triển khai các dự án. Thiếu thì phải tìm nguồn và đơn giản việc quảng bá để thu hút đầu tư cần phải được đẩy mạnh.

Từ việc quảng bá cơ hội đầu tư...

Không nằm ngoài xu thế này, vừa qua, một số tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nghệ An đã chủ động phối hợp với đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và các đối tác như Phòng thương mại công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) hay Cơ quan xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA) để tổ chức các diễn đàn thu hút đầu tư tại Seoul.

Việc tổ chức các diễn đàn ở nước ngoài có lẽ không mới song điều được giới doanh nhân Hàn Quốc đánh giá là công tác chuẩn bị cho các hội nghị xúc tiến đầu tư của các tỉnh đã có tính chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt công tác tổ chức và chuẩn bị tài liệu cho hội thảo được đầu tư kỹ lưỡng.

Một số doanh nhân tham gia diễn đàn đã bày tỏ hài lòng với việc ban tổ chức đã chuẩn bị toàn bộ các tài liệu và dịch sang tiếng Hàn Quốc bởi theo một doanh nhân cho dù có giỏi tiếng Anh đến đâu cũng... chẳng bằng đọc tiếng mẹ đẻ và hơn nữa đọc tài liệu để tìm kiếm cơ hội đầu tư thì lại càng phải cẩn trọng.

Quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang phát triển hết sức tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Những năm gần đây, Hàn Quốc luôn là nước đứng hàng đầu trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Tính đến tháng 8 năm nay, Hàn Quốc có 2.254 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 21,1 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Năm 2008, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 10 tỷ USD. Song theo nhận định của giới chuyên môn, tiềm năng hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc còn rất tiềm tàng.

Qua hai diễn đàn xúc tiến đầu tư vừa tổ chức tại Seoul, có thể nhận thấy các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tham dự hội thảo đều rất cao: khoảng 50 doanh nghiệp/diễn đàn.

Theo các doanh nhân, việc tổ chức các diễn đàn đầu tư cho một tỉnh, một khu vực cụ thể là một hướng đi đúng bởi nó giúp các nhà đầu tư tập trung vào một địa bàn, có thể thu thập được nhiều thông tin hơn so với việc tham dự một hội thảo lớn, có cơ hội tiếp xúc với những nhà quản lý, những người trực tiếp phụ trách các lĩnh vực, thuận tiện hóa cho việc xúc tiến các hoạt động liên doanh, liên kết sau này.

Đến cách thức tiếp cận các doanh nghiệp

Mặc dù chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, Internet tới mọi ngõ ngách, đặc biệt tại Hàn Quốc, quốc gia có tốc độ truy cập nhanh nhất thế giới, song việc các doanh nghiệp tìm được thông tin và đối tác thích hợp cho đầu tư vẫn là vấn đề lớn mà các doanh nghiệp cả hai nước đang gặp phải.

Có một điều dề dàng nhận thấy rằng các tập đoàn lớn thì đều có chiến lược đầu tư dài hạn vào mỗi thị trường và có kinh phí cho việc tìm hiểu nghiên cứu, điều tra nhu cầu thị trường. Song các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì khó có thể làm được việc này một cách bài bản.

Các tập đoàn lớn sẽ tìm kiếm những dự án tầm cỡ thuộc danh mục dự án quốc gia và vì thế với quy mô dự án cấp tỉnh, đối tác thích hợp chính là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hàn Quốc đóng góp một vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế. Họ là các đối tác thứ cấp, nơi sản xuất các bán thành phẩm cho những tập đoàn lớn. Một tập đoàn sẽ đi theo sau là hàng chục, thậm chí là hàng trăm doanh nghiệp sản xuất hàng phụ trợ.

Tham gia hội thảo xúc tiến của ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và Nghệ An, khi xem đoạn phim giới thiệu về các tiềm năng của tỉnh Quảng Ninh, một doanh nhân Hàn Quốc đã nói rằng ông rất ấn tượng do cách tạo điểm nhấn của Quảng Ninh rất chuyên nghiệp. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng làm sao để nhà đầu tư nước ngoài biết đến để tìm hiểu là điều khó.

Thêm vào đó, công việc chắp mối sau mỗi diễn đàn là rất quan trọng. Thông tin qua lại phải được trả lời, đáp ứng ngay, có như thế mới không làm "nguội" nhiệt tình của nhà đầu tư.

Theo nhà đầu tư này, nên chăng bên lề những diễn đàn xúc tiến chính thức, các tỉnh, các doanh nghiệp của Việt Nam cần chủ động tìm kiếm và tập trung vào một hoặc vài đối tác có ngành nghề phù hợp với hướng kêu gọi đầu tư của tỉnh mình và tạo cơ hội tiếp xúc trực tiếp giữa hai bên.

Các cuộc tiếp xúc trực tiếp này, sự chia sẻ thông tin sẽ tập trung hơn và các nhà đầu tư có thể bày tỏ những quan tâm của họ một cách cụ thể hơn tại một diễn đàn lớn. Chủ động, tích cực mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế là hướng đi đúng đắn và hy vọng một khi cấp tỉnh của Việt Nam đã vào cuộc và có sự phối hợp thì bức tranh thu hút đầu tư của mỗi tỉnh nói riêng và trên quy mô quốc gia nói chung sẽ có những sự chuyển biến mạnh mẽ./.

Khánh Vân/Seoul (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục