V.League 2009 "nhạy cảm" trong thế cờ tàn

V.League chỉ còn một vòng đấu để thay đổi số phận một số đội bóng, do vậy cần thiết một sự cẩn trọng trước thời khắc "nhạy cảm" này.
V.League chỉ còn một vòng đấu để thay đổi số phận một số đội bóng, do vậy cần thiết một sự cẩn trọng trước thời khắc "nhạy cảm" này.

Trụ hạng hay xuống chơi ở hạng Nhất được quyết định ở một trận đấu. Trong thế cờ tàn, có nhiều điều đáng để nghĩ, để cảnh tỉnh, bởi nếu không, giải đấu sẽ bị thao túng bởi những bàn tay vô hình.

Có những tình tiết đáng chú ý trước vòng đấu 25. Đó là việc câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh đến sát giờ đấu mới đến Nam Định. Đội bóng khác là Ximăng Hải Phòng quyết định đóng quân ở Thanh Hóa, không tập buổi nào theo quy định trên sân Quân khu 4 để đảm bảo cầu thủ mình không bị tác động từ hậu trường.

Việc các đội bóng “đề phòng củi lửa” trong giai đoạn hiện tại cho thấy sự cảnh giác cần thiết. Nó cũng chứng minh, yếu tố an toàn vốn đã được xác lập trong vài mùa giải qua đang bị đe dọa.

Cái thời các cầu thủ được xả cửa, không kiểm soát về điện thoại mà đội bóng cảm thấy bất an đã qua. Họ đang có nỗi ám ảnh rằng một bàn tay vô hình có thể tác động lên các cầu thủ của mình. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, có biện pháp phòng ngừa thì rất có thể đội bóng sẽ bị đánh gục.

Ai cũng biết, câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh đến Nam Định để thực hiện cuộc quyết đấu với đội chủ nhà. Ximăng Hải Phòng đang nắm giữ sinh mệnh của Quân khu 4. Nếu họ thắng để theo đuổi cuộc đua giành huy chương thì đồng nghĩa với việc, Quân khu 4 sẽ sớm trở về với giải hạng Nhất.

Có lẽ vì sự nhạy cảm của các cặp đấu mà người trong cuộc luôn đặt trong trạng thái đề phòng. Họ không muốn bị đánh bại bởi sự bạc nhược về tinh thần chiến đấu của người nhà. Dư luận từng chứng kiến những màn đi đêm trong lịch sử bóng đá. Sự thành công của một đội bóng có liên quan đến nhiều người. Từ thương hiệu của doanh nghiệp đến chức vị của không ít nhà lãnh đạo.

Hơn thế nữa, xuống hạng rồi thì rất khó để tìm về đấu trường đỉnh cao. Có muốn làm lại thì cũng rất tốn kém tiền bạc. Thế nên, người ta không dễ đứng yên nhìn đội bóng của mình xuống hạng khi vẫn còn “cơ hội” cứu vãn tình hình. Họ sẽ làm tất cả. Từ tác động hậu trường đến những cơn mưa tiền bạc nhằm đạt mục đích về chuyên môn.

Việc câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Ximăng Hải Phòng và nhiều đội bóng khác luôn có tâm lý đề phòng trước mỗi trận đấu là điều dễ hiểu. Họ đã trải qua nhiều chuyện cay đắng vì những yếu tố bất thường tác động lên tâm lý cầu thủ. Thế nhưng, không phải bao giờ đề phòng cũng giải quyết được vấn đề. Nhất là thời điểm hiện tại, tiêu cực có muôn hình vạn trạng. Thật khó có thể kiểm soát cầu thủ nếu bản thân họ không xác định được cách hành xử chuyên nghiệp.

Trong thế cờ tàn, ngoài sự cẩn trọng của các đội bóng, người ta cũng cần có những giải pháp mạnh từ cơ quan quản lý bóng đá. Cần có những chiến dịch chống tiêu cư mạnh mẽ để tạo ra sự an tâm cho người hâm mộ./.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục