Kinh tế phục hồi mạnh

IMF nhận định kinh tế phục hồi mạnh hơn dự kiến

Nhận định kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhanh và mạnh hơn dự kiến, nhưng IMF cũng đồng thời cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn.
Phát biểu ngày 18/1, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn khẳng định quá trình phục hồi sau khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn so với dự kiến.

Ông đồng thời nêu rõ Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á đang dẫn đầu sự phục hồi này.

Tổng Giám đốc Kahn cho biết căn cứ theo tình hình thực tế, IMF sẽ nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2010 so với mức 3,1% đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái.

Ông đánh giá Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế châu Á đang nổi lên đã đạt mức tăng trưởng xấp xỉ mức trước khi xảy ra khủng hoảng, trong khi đó sự phục hồi của một số nền kinh tế phát triển vẫn diễn ra khá chậm chạp do nhu cầu trong nước thấp và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, người đứng đầu thể chế tài chính đa phương này cũng cho rằng tuy phục hồi nhanh hơn dự báo, song kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do phụ thuộc vào các gói kích thích ở các nền kinh tế lớn.

Ông cảnh báo nguy cơ về một cuộc suy thoái thứ hai và kêu gọi các nền kinh tế lớn tiếp tục duy trì các chương trình cứu trợ để đảm bảo kinh tế thế giới đang phục hồi không bị tái khủng hoảng.

Theo Tổng Giám đốc Kahn, các nước, đặc biệt là những nước phát triển, không nên ngừng các gói kích thích kinh tế quá sớm và cần đặc biệt quan tâm tới các dự án tạo việc làm.

Nhà lãnh đạo IMF nêu rõ năm 2010 phải là năm chuyển đổi để hoàn tất tiến trình định hình quy chế và hệ thống tài chính của nền kinh tế thế giới theo hướng vững mạnh và hoạt động hiệu quả hơn.

Ông cũng phác họa 4 ưu tiên của IMF trong năm 2010. Một là tiếp tục cung cấp nguồn tài chính cần thiết để giải quyết khủng hoảng và hoàn thiện gói công cụ tài chính giúp các nước thành viên giữ vững tiến trình phục hồi kinh tế. Hai là tiếp tục chú trọng tới nhu cầu hiện đại hóa các quy chế tài chính, đưa vào hoạt động cơ chế nhận dạng và đối phó với các hiểm họa tiềm tàng đối với nền kinh tế.

Ba là tiếp tục hoàn thiện cấu trúc quản lý để đáp ứng thời hạn chót (cuối năm 2010) phân chia lại công bằng hạn ngạch tại IMF và các cải tổ quản lý khác.

Cuối cùng, IMF đặt ưu tiên giữ vững tiến trình phục hồi bền vững nền kinh tế toàn cầu và giảm thất nghiệp.

Liên quan tới các nguy cơ đe dọa nền kinh tế đang phục hồi mong manh của thế giới, tạp chí “Nhà Kinh tế” số ra gần đây nhận định chính sách tiết giảm tín dụng của các nước sẽ tác động xấu tới nền kinh tế nói chung.

Lịch sử cho thấy sau các cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng là quá trình cắt giảm vay nợ kéo dài, dẫn đến dư nợ tín dụng sụt giảm. Vì thế, theo các chuyên gia, giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng hiện nay không phải là một ngoại lệ.

Sau khi tăng cường vay mượn để đổ vào các chương trình kích thích tăng trưởng kinh tế, hầu hết các nước đã bắt đầu quá trình tiết giảm tín dụng. Tính đến giữa năm 2009, việc sử dụng các đòn bẩy tài chính – công cụ kích thích vay mượn tín dụng chủ đạo - ở hầu hết các nước đều giảm.

Quá trình tiết giảm tín dụng kéo theo những tác động tiêu cực đối với các khu vực kinh tế.

Báo cáo của Viện nghiên cứu McKindsey cho biết, một nửa trong số các nền kinh tế phát triển được điều tra có nhiều hơn một khu vực thuộc diện “nguy cơ cao” do quá trình tiết giảm tín dụng gây ra. Trong đó, chịu ảnh hưởng nhiều nhất là chi tiêu hộ gia đình và thị trường bất động sản ở Mỹ, Anh, Tây Ban Nha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục