LHQ chưa đạt được thỏa thuận về điều tra ở Syria

Liên hợp quốc cho biết cơ quan này vẫn chưa đạt được thỏa thuận về hoạt động của phái bộ điều tra vũ khí hóa học ở Syria.
Ngày 30/4, phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày, người phát ngôn Liên hợp quốc Martin Nesirky cho biết cơ quan này vẫn chưa đạt được thỏa thuận về hoạt động của phái bộ điều tra vũ khí hóa học ở Syria.

Theo người phát ngôn trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kết luận rằng phái bộ này phải điều tra các sự thật liên quan tới vụ việc được báo cáo ngày 23/12/2012 ở thành phố Homs chứ không chỉ riêng vụ việc ở Khan al-Assal.

Người phát ngôn Nesirky nhấn mạnh ông Ban Ki-moon không thể chấp nhận việc điều tra từng phần.

Người phát ngôn này cũng nhận định cần phải tiến hành các cuộc điều tra hiện trường và tái khẳng định tính chuyên nghiệp cũng như tính chính trực của nhóm điều tra, đồng thời miêu tả cuộc khủng hoảng ở Syria "là cuộc xung đột vô cùng đẫm máu cần phải sớm chấm dứt nhờ một giải pháp thông qua thương lượng."

[Tổng thống Obama: “Không vội can thiệp vào Syria”]

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày, đại diện thường trực của Syria tại Liên hợp quốc, Bashar Ja'afari bày bỏ mong muốn của Damascus là Liên hợp quốc đáp ứng đề nghị mà Chính phủ Syria đã đưa ra về việc tiến hành một cuộc điều tra độc lập, chân thực về sự việc ở Khan al-Assal, một ngôi làng ngoại ô thành phố Aleppo, miền Bắc Syria.

Ông Ja'afari khẳng định Chính phủ Syria sẽ hỗ trợ và hợp tác mạnh mẽ với phái bộ điều tra Liên hợp quốc trong vụ Khan al-Assal, cho biết công việc điều tra có thể khởi động nhanh chóng trong vòng 24 giờ nếu Liên hợp quốc chấp thuận.

Theo ông Ja'afari, Syria tin tưởng rằng cách tốt nhất để đạt được kết quả đáng tin cậy là phái bộ điều tra cần được triển khai không chậm trễ.

Quan chức này cũng tuyên bố Chính phủ Syria không đóng cánh cửa với Liên hợp quốc và phái bộ điều tra trong việc xem xét những cáo buộc khác, tuy nhiên nguyên tắc về tuân thủ luật quốc tế yêu cầu cần tôn trọng tuyệt đối chủ quyền các quốc gia.

Bên cạnh đó, ông Ja'afari cũng cáo buộc một nhóm chống đối đã sử dụng "nguyên liệu hóa học" trong cuộc tấn công nhằm vào thành phố Idlib hồi đầu tuần.

Tháng trước, Chính phủ Syria cáo buộc lực lượng chống đối ở miền Bắc nước này đã bắn một rốckét mang theo vũ khí hóa học vào thị trấn Khan al-Assal làm hơn 26 người thiệt mạng.

Lực lượng chống đối bác bỏ, cáo buộc ngược lại Damascus về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Homs hồi cuối tháng 12 năm ngoái.

Vấn đề vũ khí hóa học tại Syria đang là tâm điểm chú ý khi nó có thể dẫn tới sự can thiệp quân sự của Mỹ vào quốc gia Trung Đông hiện chìm trong khủng hoảng và bạo lực này.

Tuy nhiên, ngày 30/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo không thể vội vàng kết luận về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, nói rằng ông cần "bằng chứng thuyết phục và hiệu lực" trước khi thực hiện những động thái khác./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục