Việt Nam-Nam Phi hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học

Việt Nam, Nam Phi sẽ có bước phát triển mới về hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học bằng việc ký bản ghi nhớ hợp tác giữa chính phủ hai nước.
Ngày 10/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp báo thông báo về việc Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nam Phi, về hợp tác Bảo tồn và Bảo vệ đa dạng sinh học.

Bản ghi nhớ được xây dựng dựa trên mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia và các mục tiêu, nguyên tắc của Công ước Đa dạng sinh học và Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) mà 2 nước là thành viên.

Mục tiêu của bản ghi nhớ là nhằm tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam và Nam Phi trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học, thực thi pháp luật và tuân thủ CITES cũng như các văn bản pháp lý và Công ước liên quan khác.

Việc thực hiện Biên bản ghi nhớ sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Tài nguyên nước và Môi trường Nam Phi chịu trách nhiệm, với sự hỗ trợ của các cơ quan thực thi pháp luật hai nước, sự tham gia của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các cơ quan ngôn luận.

Ngay sau khi ký kết Biên bản ghi nhớ, đoàn công tác của Nam Phi và Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thực thi cam kết của hai Chính phủ, trong đó tập trung vào tăng cường hợp tác trong việc phòng chống nạn buôn lậu mẫu vật tê giác và thực thi các quy định của CITES, đồng thời thảo luận thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên.

Tại buổi họp báo, bà Edna Molewa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước và Môi trường Nam Phi cho biết các cơ quan chức năng của Nam Phi rất mong muốn nhận được sự phối hợp của các đối tác phía Việt Nam, để sớm ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép sừng tê giác đồng thời khẳng định Nam Phi cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các Công ước quốc tế liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn tình trình buôn bán, vận chuyển trái phép mẫu vật sừng tê giác và các loại thuộc Phụ lục CITES qua cửa khẩu đường bộ, đường không và đường biển, đặc biệt là đối với các chuyển hàng từ châu Phi.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cấm nhập khẩu tất cả các mẫu vật tê giác vào Việt Nam trong năm 2012. Từ năm 2004 tới nay, các cơ quan chức năng đã bắt giữ và xử lý 12 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác từ cChâu Phi.

Theo thống kê, năm 2011 có 448 cá thể tê giác trắng bị săn bắn trái phép tại Nam Phi. Do lo ngại tình trạng săn bắn trộm diễn ra ngày càng tăng, từ tháng 2/2012, Chính phủ Nam Phi đã cấm không cho người Việt Nam được săn bắn thể thao hợp pháp tại Nam Phi, nhưng tính đến ngày 27/11/2012, số tê giác bị giết trái phép đã lên tới 588 cá thể. Dự đoán đến hết năm 2012 sẽ có hơn 600 cá thể tê giác bị săn bắn trái phép./.

Thanh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục