Café Nhân Đạo: Thắp sáng tương lai trẻ khuyết tật

Không có đèn nhấp nháy, không xập xình tiếng nhạc, nhưng trong quán lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười của những đứa trẻ khuyết tật.
Không có đèn nhấp nháy, không xập xình tiếng nhạc như quán khác, nhưng trong quán lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười, đôi khi méo mó những âm thanh chưa tròn vành rõ tiếng của những đứa trẻ khuyết tật trí tuệ.

Đó là điểm đặc biệt, chỉ có ở quán càphê Nhân Đạo, hay còn gọi là càphê Sao Mai, nằm nép mình cạnh Trung tâm Sao Mai (Trung tâm tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ em khuyết tật trí tuệ.)

Mái ấm nhân đạo cho trẻ khuyết tật

Với những ai đã từng đặt chân tới quán càphê Nhân Đạo (Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) hẳn đều để lại những kỷ niệm khó quên với những “trái tim bé nhỏ” đang thổn thức, khát khao hòa nhập với cộng đồng, vượt qua sự tự ti, mặc cảm.
 
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, bác sĩ Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ em khuyết tật trí tuệ, kiêm chủ quán càphê Nhân Đạo, cho biết: “Mục đích của quán càphê này là nơi thực hành kỹ năng sống và giao tiếp cho các học sinh lớn, tạo tiền đề cho sự độc lập và hòa nhập của học sinh khuyết tật trí tuệ và tự kỷ khi trưởng thành.”

Từ những tiêu chí trên, với sự hỗ trợ của tổ chức LEV Đan Mạch, Câu lạc bộ phụ nữ Quốc tế, Mary Knoll và trường Đại học RMIT (Úc) TTSM, quán càphê Nhân Đạo đã được thành lập từ năm 2003. Cũng từ đó tới nay, quán càphê đặc biệt này đã thu hút được đông đảo vị khách giàu lòng thiện hữu lui tới.

Theo bác sĩ Lan, ngoài các buổi học thực hành như trồng rau sạch, các cháu có thể làm thêm những công việc nhỏ như bưng bê, rửa chén tại quán càphê. Mỗi ngày có hai em làm ở đây, các em thường xuyên thay ca cho nhau, hôm nay làm ở quán thì ngày mai lên tầng để học các môn xã hội.

Cô Nguyễn Thị Duyên, người trực tiếp giảng dạy cho các em khuyết tật trí tuệ, chia sẻ: “Trung tâm đang chăm sóc cho 250 học sinh, trẻ em khuyết tật đến với Trung tâm Sao Mai hầu hết đều mang tính tự nguyện. Mục đích mở quán cà phê không phải là kinh doanh, mà giúp các cháu tại khuyết tật có thể tiếp xúc với mọi người, tránh xa căn bệnh tự kỉ.”

Trong số những đứa trẻ phục vụ tại quán càphê, điển hình có cháu Tạ Ngọc Duy, trẻ khuyết tật trí tuệ ở quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Nhìn khuôn mặt ngây ngô, cái giọng nói bập bẹ ấy… ít ai nghĩ rằng năm nay Duy đã bước qua tuổi 19.

Trò chuyện với khách, Duy kể, em vào Trung tâm được 5 năm rồi, ban đầu em chả biết nói gì, thấy cái gì cũng lạ, nhưng rồi được các cô dạy bảo tận tình, em đã nói được thông thạo. Sau khi biết nói, em được đưa xuống quán này để làm việc.

“Vui lắm anh à, thời gian ở quán, em làm được nhiều việc như bưng bê cà phê, rửa chén... Đặc biệt là được gặp những vị khách vui tính, họ sẵn sàng sẻ chia, vui đùa cùng bọn em," cậu bé khuyết tật trí tuệ khoái chí.

Đang dở câu chuyện, bỗng tiếng thất thanh cất lên: “Anh Duy ơi! Vào mang ly ra rửa cho cô.” Bỏ dở câu chuyện, Duy xông xáo bước vào nhận công việc.

Quả thực, việc bưng bê cà phê, rửa ly chén đối với các cháu bình thường làm đã khó, đối với những người chậm phát triển trí tuệ như Duy thì còn khó gấp vạn lần. Ấy mà, Duy vẫn làm tốt mọi công việc bàn giao.

Cô Duyên chia sẻ: “Mới đầu dạy các cháu rửa chén, cả cô lẫn trò đều rất cơ cực. Khó khăn lớn nhất khi hướng dẫn là các cháu hay quên, cứ dạy trước quên sau, chỉ cần vài hôm không thực hành thì chữ cô trả cô, rồi ly chén cũng ném vỡ theo ngày.

Cũng theo cô Duyên, việc các cháu đánh vỡ cốc chén, đồ dùng là không tránh khỏi. Có lúc khách ngồi trong quán nghe một tiếng “xoảng,” mấy cô giáo vội chạy ra… Nhưng đành phải kiên trì, chấp nhận.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, những đứ trẻ khuyết tật trí tuệ như Duy cũng dần quen với công việc. Giờ đây, Duy đã là người "anh cả" của đàn em khuyết tật chuyên làm công việc bưng bê tại quán càphê Nhân Đạo có một không hai này.

Đáp lại sự cố gắng của các cháu, khách tới quán cũng ngày một tăng lên, không chỉ trong nước mà còn các vị khách ở nước ngoài. Điều đáng nói là mọi người đến đây không chỉ để uống càphê ủng hộ các cháu mà còn để nói chuyện, chia sẻ với những “nhân viên đặc biệt” ở đây.

Anh Vũ Duy Tân, vị là khách thường xuyên lui tới của càphê Nhân Đạo cho biết: “Càphê ở đây khá ngon, nhưng điều đặc biệt khiến mình thường lui tới là để góp phần sẻ chia cùng các cháu có số phận kém may mắn. Quan trọng hơn là góp một chút tình cảm, để các cháu có thể sống tự lập, tự chăm lo được cho bản thân mình,” anh Tân bộc bạch.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục