Hội nghị về bảo vệ đa dạng trong biểu đạt văn hóa

Đoàn đại biểu VN vừa tham dự Hội nghị lần thứ ba về Công ước Bảo vệ và thúc đẩy đa dạng trong biểu đạt văn hóa diễn ra tại Paris.
Đoàn đại biểu Việt Nam vừa tham dự Hội nghị lần thứ ba về Công ước Bảo vệ và thúc đẩy đa dạng trong biểu đạt văn hóa, diễn ra trong hai ngày 14 và 15/6 tại trụ sở UNESCO tại Paris, Pháp.

Hội nghị xoay quanh bốn vấn đề chính gồm các quốc gia đã gia nhập công ước cần có những biện pháp cụ thể bảo vệ và thúc đẩy đa dạng văn hóa; phải gửi báo cáo thường kỳ 4 năm cho Ban Thư ký về việc thực hiện công ước; vận động đóng góp, quản lý và thực hiện Quỹ Bảo vệ đa dạng văn hóa (IFCD); và xác định nguyên tắc chỉ đạo việc sáng tác mẫu biểu tượng đa dạng văn hóa.

Bà Ngô Phương Lan, Phó Cục Trưởng cục Hợp tác quốc tế cho biết các vấn đề trên đều được tranh luận sôi nổi và ghi vào nghị quyết, nhưng không có những điều khoản bắt buộc, ngoại trừ việc các quốc gia thành viên phải gửi báo cáo thường kỳ 4 năm cho Ban Thư ký để tổng hợp trình Hội nghị toàn thể.

Việt Nam là một trong 12 thành viên mới được bầu là Ủy viên Ủy ban liên chính phủ các nước thành viên công ước, thay thế cho các thành viên đã hết nhiệm kỳ.

Đề cập kết quả hội nghị, Giáo sư Dương Văn Quảng, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa (UNESCO) tại Pháp đánh giá "đây là một bước tiến mới" trong chính sách đối ngoại đa dạng hóa và đa phương hóa văn hóa.

Đây cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế và góp phần thực hiện chính sách ngoại giao văn hóa. Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn để tham gia các diễn đàn văn hóa thế giới.

Giáo sư cho biết, để tham gia có hiệu quả trong Ủy ban liên chính phủ các nước thành viên công ước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cần sớm cử cán bộ đại diện trong ủy ban này vì theo Điều lệ của ủy ban, các quốc gia thành viên cử đại diện chính thức tham gia phải am hiểu các vấn đề văn hóa và các nội dung của công ước. Người đại diện cần bổ nhiệm người thay thế, cán bộ trợ lý và các chuyên gia.

Để chuẩn bị tốt cho kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên chính phủ các nước thành viên công ước được tổ chức cuối năm nay, Việt Nam cần chuẩn bị nhân lực, vật lực, tập trung nghiên cứu việc sử dụng IFCD và trình bày đề án xin hỗ trợ tài chính từ quỹ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục