Nhiều trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu

Trong số 13 trường đại học được kiểm tra, có 8 trường đã tuyển vượt chỉ tiêu được giao trong năm học này, nhất là ở hệ cao đẳng.
Theo báo cáo thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số 13 trường đại học được kiểm tra, có 8 trường đã tuyển vượt chỉ tiêu được giao trong năm học này, nhất là ở hệ cao đẳng. Cụ thể, trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển vượt 40 chỉ tiêu hệ văn bằng hai, Đại học Hàng Hải vượt 37 chỉ tiêu, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vượt 251 chỉ tiêu hệ đại học. Một số trường tuyển hệ cao đẳng vượt trên 10% chỉ tiêu được giao như Đại học Hồng Đức tuyển vượt gần 17% (tương đương với 122 chỉ tiêu), Đại học Quốc tế Hồng Bàng vượt 10% chỉ tiêu (tương đương 198 chỉ tiêu), Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh vượt 15% chỉ tiêu (tương đương với 60 sinh viên)… Số liệu này vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại buổi họp báo thông báo kết quả kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới được tổ chức chiều nay, ngày 21/10/2009.
Các đại học thiếu đồng nhất trong thu học phí
Vấn đề thu-chi tài chính, đặc biệt là học phí, là một trong những trọng tâm của công tác thanh tra lần này của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo báo cáo của Bộ, việc thu học phí theo tín chỉ do chưa có quy định cụ thể nên còn chưa có mức thu thống nhất, mỗi trường thu một mức khác nhau. Trả lời báo chí bên lề buổi họp báo, ông Đặng Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện khung học phí của Bộ mới tính theo niên chế, tính theo tháng với mức 240.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, với các trường đào tạo theo tín chỉ thì trường tính tổng mức học phí là 2,4 triệu/năm và chia ra theo số tín chỉ. Do số lượng tín chỉ được đào tạo ở các trường là khác nhau nên mức học phí tính theo từng tín chỉ sẽ khác nhau. Trường đào tạo nhiều tín chỉ thì mức học phí tính trên một tín chỉ sẽ ít hơn mức học tính trên tín chỉ của trường có lượng tín chỉ ít hơn. Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, Bộ đang nghiên cứu và sẽ có hướng dẫn về việc thu học phí theo tín chỉ. Cũng theo kết luận của Bộ, ngoài việc thiếu thống nhất về mức thu học phí, một số trường chưa tính toán được số học phí trong thực tế là bao nhiêu, chưa có kế hoạch cụ thể cho các mức chi từ nguồn thu được do mức tăng học phí, chưa nêu được các mức chi cụ thể cho từng mục. Thu học phí tăng nhưng các trường chủ yếu sử dụng số tăng này chi cho con người và đầu tư cơ sở vật chất, chưa lưu ý đến việc tập trung cho đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ giảng viên. Các trường hợp đặc biệt được dư luận và các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh có tình trạng loạn các khoản thu trong thời gian vừa qua như Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng nằm trong diện thanh tra lần này. Theo kết luận của Bộ, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh không tăng học phí so với năm học 2008-2009 (mức học phí là 70.000 đồng/tín chỉ đối với sinh viên đại học và 65.000 đồng/tín chỉ đối với sinh viên cao đẳng, tương đương với 2,4 triệu đồng/năm). Tuy nhiên, trường là đơn vị tự chủ tài chính nên từ năm 2006 đến nay, hàng năm ngân sách nhà nước chỉ cấp 12 tỷ đồng (bình quân trên đầu sinh viên là 26.000 đồng/sinh viên/tháng) và là trường thuộc khối ngành kỹ thuật nên để đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng nên mỗi năm trường thu thêm phần kinh phí hỗ trợ đào tạo là 1,6 triệu đồng/năm. Về Đại học Quốc tế Hồng Bàng, trường chưa công khai mức thu học phí và các khoản đóng góp trên website của trường, chưa xây dựng được cụ thể danh mục đầu tư từ nguồn tăng học phí. Các sở chuẩn bị tốt nhiệm vụ năm học mới Cùng với việc kiểm tra các trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cử 4 đoàn kiểm tra tới 11 sở giáo dục và đào tạo với các nội dung kiểm tra chính là tình hình triển khai thực hiện phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực phối hợp với việc thực hiện “3 đủ”; việc tổ chức thực hiện 3 công khai và tình hình học sinh bỏ học. Theo kết luận thanh tra của Bộ, hầu hết các đơn sở đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực đã được 100% các trường ở các tỉnh đăng ký tham gia với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đầu tư 17 tỷ đồng lắp hệ thống chiếu sáng chuẩn cho các trường trung học phổ thông, 100 tỷ đồng cho các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; đầu tư 200 tỷ đồng xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn cho 1.000 trường học ở địa bàn mới sát nhập. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cũng đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng công trình vệ sinh nước sạch cho trường học… Bên cạnh đó, các sở cũng có văn bản chỉ đạo các phòng ban trực thuộc về việc triển khai công khai các khoản thu và chi đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra và công bố công khai./.  
Đại học Phan Thiết: Đủ điều kiện đào tạo

Trước việc dư luận và báo chí phản ánh việc Đại học Phan Thiết không đủ cơ sở vật chất cũng như lượng giảng viên để đảm bảo chất lượng giảng dạy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kiểm tra và kết luận trường đủ điều kiện triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2009-2010.

Theo kết luận kiểm tra, Đại học Phan Thiết đã xây dựng được 8 phòng học (mỗi phòng 50 chỗ), 2 phòng (mỗi phòng 34 chỗ), 1 hội trường 400 chỗ. Với cơ sở vật chất này, theo kết luận của Bộ, nếu tổ chức học 2 ca/ngày có thể đáp ứng được quy mô gần 1.000 sinh viên. Trường cũng có 63 giảng viên cơ hữu với trên 60% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên. Số giảng viên thỉnh giảng là 102 người.

Theo kết luận của Bộ, Đại học Phan Thiết chỉ có một số hạn chế cần tiếp tục khắc phục là số lượng giáo trình, tài liệu tham khảo còn hạn chế so với quy mô tuyển sinh; một số phòng học chưa đủ ánh sáng; việc xếp thời khóa biểu chưa đúng với quy định và công tác quản lý hồ sơ giảng viên còn chưa khoa học.
Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục