“Chương trình phổ thông ở Việt Nam chẳng giống ai"

Theo quan điểm của giáo sư Văn Như Cương, học sinh phổ thông đang phải đối mặt với những cung cách thi cử căng thẳng và lạc hậu.
Giáo dục phổ thông nặng về kiến thức lại thiếu kỹ năng; giáo dục đại học và sau đại học thiên về lý thuyết, hiện tượng tiêu cực nhiều; việc nâng cao chất lượng giáo dục cần được đầu tư thêm nhưng ngân sách Nhà nước rót cho giáo dục đã ở ngưỡng tối đa… Đó là hàng loạt vấn đề được các đại biểu nêu ra tại Hội nghị “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 31/7. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và đông đảo các chuyên gia giáo dục uy tín đã tham dự Hội nghị có nội dung chính là nêu lên các kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Nhiều nghịch lý Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho biết, bà cũng rất sốt ruột về chất lượng giáo dục nên đã thực hiện hai chuyên đề nghiên cứu về vấn đề này. Một chuyên đề về cơ cấu ngành nghề đào tạo, đã chỉ ra bất cập về tỷ lệ học sinh kinh tế quá đông và các chuyên ngành kỹ thuật thì hiếm người học. Sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có cảnh báo kịp thời. Chuyên đề thứ 2 là giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường, vốn đang giảm sút đến mức báo động. Cũng theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, giáo dục đào tạo là phải là tạo ra những con người có chuyên môn, có nhân cách của người Việt Nam, trong đó giáo dục nhân cách ở bậc học tiểu học rất quan trọng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiện nay, việc dạy đạo đức cho học sinh không được chú trọng cả về giáo viên lẫn chương trình vì không học đạo đức thì các em vẫn đi thi được đại học bình thường. Ngoài ra, các chuyên gia dự Hội nghị cũng cho rằng chương trình học còn nhiều bất hợp lý, cần phải thay đổi, cắt bỏ những phần chưa cần thiết, chẳng hạn việc các học sinh lớp 5 đã được dạy về hôn nhân.

Học sinh học kỹ năng sống tại Trung tâm Tâm Việt. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Cũng bàn đến những bất cập trong chương trình giáo dục phổ thông, giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Chương trình phổ thông ở Việt Nam chẳng giống ai, vừa nặng lại vừa thấp, rất nhiều và rất ‘nông’, cái cần thì không học mà cái học thì không cần.” Đưa ra ví dụ cụ thể ở lĩnh vực mà mình am hiểu nhất là sinh học, giáo sư Dũng cho biết, ông đã mua trên 70 cuốn sách giáo khoa sinh học ở bậc phổ thông ở các nước và thấy rằng "chương trình ở ta chẳng giống nước nào." “Liệu một cháu 12 tuổi có nhớ nổi lát cắt ngang của một thân cây trưởng thành với các thuật ngữ khó hiểu như vỏ, tầng sinh vỏ, thịt vỏ, mạch rây, tầng sinh trụ, mạch gỗ? Pháp là một nước khoa học phát triển nhưng học sinh phổ thông không học sinh học mà chỉ học môn khoa học về sự sống và về trái đất nói chung. Tương tự, các nước Anh, Australia.. cũng đều dạy môn sinh học theo phương pháp tích hợp,” giáo sư Dũng băn khoăn. Chung ý kiến này, giáo sư Văn Như Cương cũng cho rằng có đến 40% kiến thức môn toán ở bậc phổ thông là vô bổ. “Một người sau này làm nghề báo chí, viết văn chẳng cần phải biết đến tích phân, đạo hàm,” ông Cương nhấn mạnh. Theo đó, giáo sư Văn Như Cương cho rằng cần phải đối mới chương trình, cấu trúc lại hệ phổ thông và có thể có nhiều loại sách giáo khoa để phù hợp với từng loại đối tượng học sinh. Với nhận định tình hình ở bậc đại học cũng không khá hơn, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết-nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội-cho rằng bậc đại học phải tạo ra những con người biết làm việc, nhưng cách đào tạo hiện nay rất lãng phí vì sinh viên ra trường phải đào tạo lại. Ông lý giải rằng thực trạng đào tạo sau đại học ở nước ta tràn lan, hiện tượng chỉ tiêu tuyển lớn hơn cả số người dự tuyển làm nảy sinh nhiều tiêu cực, dẫn đến chất lượng kém. Rà soát lại từng cấp học Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng phải xác định rõ mục tiêu của mỗi bậc học để có phương pháp giảng dạy phù hợp. Bà cho rằng đã đến lúc rà soát lại thật cụ thể từng bậc học để đổi mới. “Cần thẳng thắn nhìn nhận, hiệu quả giáo dục ở các bậc học là chưa cao. Như vậy, phải thay đổi về sản phẩm các bậc học, phải xem từng bậc học, cái gì còn khiếm khuyết thì bổ sung. Cấp tiểu học thì chủ yếu là ‘tiên học lễ, hậu học văn,’ vì đó là bậc học rất quan trọng trong hình thành nhân cách của học sinh,” Phó chủ tịch nước nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Phó chủ tịch nước cũng cho rằng phải thay đổi cách đánh giá chất lượng giáo dục: “Tôi mạnh dạn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đánh giá kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, có bỏ được không? Hiện nay tốt nghiệp đỗ cao như thế có thực chất không? Kỳ thi này lại rất sát với kỳ thi tuyển sinh đại học cao đẳng, rất cực cho người học, cho gia đình và xã hội.” Đây cũng là quan điểm của giáo sư Văn Như Cương. Theo ông Cương, học sinh đang phải đối mặt với những cung cách thi cử căng thẳng và lạc hậu. Cụ thể, theo giáo sư, các cháu bé trước khi vào lớp 1 đã phải lo ôn luyện để vào các trường điểm, trường có uy tín, thậm chí một số phụ huynh phải "chạy" trường "chạy" lớp. Nhiều chuyên gia dự Hội nghị cũng lo ngại rằng với đa số học sinh phổ thông, suốt 12 năm đi học chỉ là cuộc đua để vượt các kỳ thi, qua các bậc học và vào đại học. Và kết quả học tập suốt 12 năm trời nhưng chỉ được đánh giá bằng một bài thi làm trong 3 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, áp lực thi cử nặng nề chính là nguyên nhân khiến học sinh không có đủ thời gian trau dồi những kỹ năng khác. “Rất hiếm một học sinh lớp 12 phụ giúp các công việc gia đình vì các em còn bận ôn thi, bận học thêm, trong khi các kỹ năng khác, các đức tính khác cũng rất cần thiết cho con người như sự chăm chỉ, tính tiết kiệm,” giáo sư Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Thăng Long, chia sẻ. Cũng theo giáo sư Hoàng Xuân Sính, việc dạy đạo đức cho học sinh phải ở bậc phổ thông, nhưng chúng ta đã chú trọng đến kiến thức mà quên việc dạy các em làm người. “Mục tiêu ở các cấp học đã không được xác định một cách đúng đắn,” giáo sư Sính phân tích. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, ngành giáo dục sẽ tiếp thu các ý kiến trên để có thể hoàn thiện hơn nữa Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Trên thực tế hiện nay, các cải cách của ngành giáo dục có vẻ vẫn chưa đủ để thuyết phục các lãnh đạo cấp cao cũng như nhân dân cả nước khi Đề án nói trên đã được dự thảo đến lần thứ 6 nhưng vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Đề án Đổi mới sách giáo khoa sau năm 2015 hiện vẫn chưa một lần được công bố chính thức để lấy ý kiến rộng rãi. Trong khi cả xã hội đang trông chờ thì việc đổi mới giáo dục có lẽ còn ở "thì tương lai" khá dài./.
Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục