Indonesia đang nỗ lực nhằm ngăn đà suy thoái kinh tế

Chính phủ Indonesia chuẩn bị ban hành một số chính sách giảm nhẹ trong ngắn hạn và trung hạn để ngăn chặn đà suy thoái kinh tế.
Chính phủ Indonesia chuẩn bị ban hành một số chính sách giảm nhẹ trong ngắn hạn và trung hạn để ngăn chặn đà suy thoái kinh tế và biến động thị trường do các tác động bên ngoài, trong đó chủ yếu là cuộc khủng hoảng tài chính-nợ công ở Mỹ và châu Âu - hai đối tác thương mại chủ chốt của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib Basri cho biết các chính sách ngắn hạn nhằm giảm thiểu những bất ổn kinh tế toàn cầu bao gồm khuyến khích thực hiện các nguồn tài chính bằng ngoại tệ thông qua phát hành chứng khoán nợ nhà nước và tăng cường sự tham gia của các ngân hàng nhà nước trong duy trì tính thanh khoản.

Ngoài ra, Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách hiện nay là mở rộng khuôn khổ tài chính trong kế hoạch ngân sách năm 2012 cho giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng và bảo hiểm xã hội thông qua tăng cường phối hợp đề duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính; cố gắng kích hoạt khuôn khổ ổn định hóa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp thông qua một số biện pháp cần thiết, trong đó có việc đẩy mạnh phối hợp với Bộ Doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước có liên quan.

Theo các chính sách trung hạn và dài hạn, Chính phủ Indonesia sẽ nỗ lực cải thiện thâm hụt tài khoản vãng lai bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý nhập khẩu và cải thiện môi trường đầu tư thông qua sửa đổi các khoản phụ thu thuế, đơn giản hóa thủ tục và mở rộng các lĩnh vực được miễn thuế, giãn thuế và giảm mức trần đầu tư quy định được hưởng ưu đãi thuế hay miễn thuế.

Trong các chính sách trên có việc áp dụng các chính sách bảo hiểm vĩ mô, nhằm giảm thiểu biến động thị trường và tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế bắt nguồn từ các tác động bên ngoài.

Bộ trưởng Chatib Basri nhấn mạnh việc giảm nhẹ chính sách còn được thực hiện thông qua sử dụng tối ưu ngân sách, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ngân sách, và tất cả các chính sách được đưa ra đều nhằm duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế trên 6% như mục tiêu trong kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2013.

Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia (BPS), tăng trưởng kinh tế Indonesia đã lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 6% kể từ Quý III/2010 khi chỉ đạt 5,81% trong Quý II/2013; thâm hụt thương mại tăng từ 590 triệu USD trong tháng 5 lên 850 triệu USD trong tháng 6; tỷ lệ lạm phát đã leo lên mức cao nhất trong tháng 7 sau khi chính phủ tăng giá nhiên liệu được trợ giá ở mức gần 45% với xăng và gần 25% với dầu diesel.

Động thái này cho thấy những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách Indonesia đang phải đối mặt khi tìm cách duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiềm chế lạm phát và ngăn chặn đồng nội tệ mất giá./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục