Có thể đạt 7 tỷ USD

Xuất khẩu dệt may 6 tháng cuối có thể đạt 7 tỷ USD

Theo lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nếu chuẩn bị tốt, việc xuất khẩu dệt may đạt 7 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm là hiện thực.
Mặc dù phải đối phó với nhiều khó khăn, trong đó có chi phí đầu vào tăng cao, nhưng nhờ đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội mới, ngành dệt may đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu hơn 13 tỷ USD năm 2011, ngành dệt may phải có những giải pháp quyết liệt hơn.

Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã trao đổi xung quanh vấn đề này.

- Sáu tháng đầu năm vượt qua nhiều khó khăn, ngành dệt may đã đạt được những con số ấn tượng. Tuy nhiên, trong điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn, ông đánh giá như thế nào về tình hình xuất khẩu của của ngành dệt may Việt Nam từ nay đến hết năm?

- Ông Lê Tiến Trường: Đúng vậy, mặc dù phải đối phó với rất nhiều khó khăn nhưng do nắm vững thị trường cũng như làm tốt công tác dự báo tình hình sớm và có những giải pháp kịp thời nên 6 tháng đầu năm ngành dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu 6,16 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2010. Đây là mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất vào những tháng đầu năm trong vòng 4 năm trở lại đây.

Những giải pháp phải kể đến như tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí quản lý... đặc biệt tiết kiệm đầu tư. Các doanh nghiệp tập trung đầu tư với vốn chủ sở hữu cao nhằm giảm tỷ lệ vay từ ngân hàng; đồng thời linh hoạt hóa trong công tác quản lý đơn hàng, linh hoạt giữa gia công với hàng FOB, giảm thiểu tồn kho nguyên vật liệu, giảm tồn kho trên dây chuyền và giảm tồn kho tại cửa hàng.

Về thị trường 6 tháng cuối năm, trước hết phải nhận định rằng vẫn có những tín hiệu tốt. Nếu chuẩn bị tốt sản xuất, cũng như chuẩn bị tốt nguyên liệu, đáp ứng được các đơn hàng thì việc đạt 7 tỷ USD xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm là hiện thực đối với ngành dệt may Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp thì 6 tháng cuối năm sẽ rất nhiều khó khăn. Vốn lưu động để phục vụ đơn hàng tăng, trong khi tín dụng trong nước lại thắt chặt, lãi suất cao. Đây là phản ứng trái chiều nhau giữa thị trường tài chính với thị trường kinh doanh. Vì vậy, giải pháp căn bản của 6 tháng cuối năm chính là những giải pháp về nguồn vốn lưu động để giúp doanh nghiệp có thể chuẩn bị được nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Thứ hai là việc linh hoạt trong sử dụng nguồn nguyên liệu khác nhau, đặc biệt nguồn nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên có sự biến động lớn về giá. Vì vậy, việc cân đối nguyên liệu tổng hợp có giá thành hợp lý hơn sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn cũng như giảm áp lực trong biến động về giá.

Thứ ba là việc dịch chuyển hợp lý giữa những đơn hàng FOB dài hạn với những đơn hàng FOB mang tính ngắn hạn và những đơn hàng gia công giá cao để giảm áp lực về vốn.

Thứ tư, một số dự án đầu tư cũng phải điều chỉnh lùi lại nên để hoàn thành nhiệm vụ xuất khẩu thì bài toán về năng suất, về tổ chức sản xuất để nâng cao hiệu quả tận dụng tối đa hơn nữa năng lực hiện có là yêu cầu chung đối với toàn ngành dệt may nói chung và đối với tập đoàn dệt may nói riêng.

- Trong bối cảnh giá bông trên thị trường thế giới tăng cao, nhưng ngành dệt may lại phải cắt giảm một số dự án đầu tư để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ, theo ông, việc cắt giảm các dự án đầu tư về nguyên liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành dệt may?

- Ông Lê Tiến Trường: Khi xây dựng chiến lược nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành dệt may giai đoạn 2011-2015 từ năm 2009-2010, chúng ta dựa trên một kịch bản kinh tế phát triển bình thường. Nhưng trong điều kiện kinh tế hiện nay, để kiềm chế lạm phát tăng cao, ngành phải đình hoãn các dự án có vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả thu hồi không cao, trong đó trọng tâm lại chính là những dự án về nguyên liệu.

Khi những dự án này chậm trễ thì tỷ lệ lệ nội địa hóa của ngành đạt 60% năm 2015 theo kế hoạch là khó. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, chúng tôi sẽ quyết tâm cố gắng đạt trên 55-56%.

Nếu thị trường có những tín hiệu tốt hơn thì ngành vẫn giữ được mức phấn đấu 60% vào năm 2015. Năm 2011 này, ngành dệt may quyết tâm giữ tỷ lệ nội địa hóa khoảng 47-48%.

- Ông dự báo giá bông trên thị trường thế giới từ nay đến cuối năm sẽ diễn biến như thế nào?

- Ông Lê Tiến Trường: Thực ra giá nguyên liệu thế giới hiện nay cùng chung với giá dầu. Bông cũng là một mặt hàng rất cơ bản trên thị trường, nó là nhóm mặt hàng giống như thị trường chứng khoán, vì thế giai đoạn này, việc lên xuống của giá bông sẽ gây nhiều bất ổn đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên chúng tôi dự kiến đỉnh của giá bông (hơn 5 USD/kg) đã qua rồi, từ nay đến cuối năm mặt hàng này sẽ dần trở về với mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, mặt bằng giá sắp tới sẽ cao hơn mặt bằng giá trong thời kỳ trước (trên (2 USD/kg).

- Xin cảm ơn ông!

Ngọc Trần (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục